Nam Cường, nơi Bác đến đã thành vùng “cam” vàng...

Nam Cường, nơi Bác đến đã thành vùng “cam” vàng...
Những năm 1960, Nam Cường (Tiền Hải - Thái Bình) đã trở thành biểu tượng của tinh thần “đẩy sóng ra khơi, kéo chân trời gần lại”, đắp đê ngăn nước thủy triều, biến bãi biển hoang vu thành đồng lúa, làng mạc. Hơn 53 năm đã đi qua, từ xã nghèo, nay Nam Cường không chỉ là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của huyện mà còn đang nỗ lực phấn đấu để trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015.

Những năm tháng đi mở đất của người dân Nam Cường thật nhiều khó khăn, gian khổ. Mảnh đất Nam Cường hoang sơ nhiễm mặn, nhìn đâu cũng thấy muống biển, cúc dại. Dưới đồng bãi chỉ thấy lau, lách chen chúc, um tùm. Toàn xã khi ấy chỉ có hơn 1.000 dân; trong đó có một số đảng viên (Chi bộ Đảng thành lập ngày 19/4/1961), hành trang ngoài mấy công cụ thô sơ như cuốc, mai, dao chỉ có sức lực và tinh thần là chính. Không ít người đã nản lòng, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Song với quyết tâm ra đi lập nghiệp, mọi người giúp nhau dựng tạm nhà, nhanh chóng nhận đất khai hoang. Ngày Bác Hồ về thăm, đứng trên một bãi đất, Bác dặn: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam”. Làm theo lời Người dạy, Nam Cường đã khai hoang lập nên cánh đồng hơn 200ha để trồng lúa và hơn 100ha đất sát chân đê để trồng cói. 

Do đất đai chua mặn nên năng suất cây trồng không cao, cộng với cơ chế kinh tế cũ còn lạc hậu, vì thế cái đói, cái nghèo cứ bám lấy người dân Nam Cường suốt mấy chục năm ròng. Thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2001 – 2005) về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi, Đảng bộ Nam Cường đã lãnh đạo nhân dân làm một “cuộc cách mạng mới”. Theo đó, trên cánh đồng cói năm xưa, Nam Cường đã quy hoạch chuyển đổi thành vùng nuôi trồng thuỷ - hải sản rộng gần 100ha. Hơn 10 năm qua, cánh đồng này liên tục đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa, cói. Nhờ đầu tư cải tạo đất bằng phương pháp thuỷ lợi, tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng, đến nay, xã đã đưa 100% giống lúa ngắn ngày vào canh tác, năng suất đạt 100 - 110 tạ/ha/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 45 - 50% diện tích. 

Cùng với phong trào thâm canh lúa, Nam Cường cũng là một trong số những xã đi đầu phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Hiện, xã đã xây dựng được 2 trang trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại với quy mô hàng ngàn đầu lợn/trang trại và 30 gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm. Nếu chưa tới Nam Cường, ai cũng nghĩ nơi đây chỉ có tôm, cá, lúa, lợn nhưng Nam Cường hiện tại còn có nhiều nghề thủ công như sản xuất đồ nhựa, thêu móc sợi, cơ khí ..., giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 

Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của Nam Cường đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Xã đã chuyển 20ha/105ha trong đê và 20ha/45ha bãi triều sang ương nuôi ngao giống, đạt lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng. Một số hộ như các ông Lê Văn Sử, Bùi Văn Thuận, Đinh Văn Đảo... thu lãi 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Diện tích đầm trong đê thực hiện theo mô hình đa canh, đa con với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, cá vược, cua..., hiệu quả kinh tế gấp 6 – 7 lần so với trồng lúa. Hơn 12ha nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cũng được cải tạo để nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như trắm đen lai, vược, sản lượng năm 2012 đạt 45 tấn. Tổng giá trị sản xuất năm qua đạt 79,1 tỷ đồng, trong đó, nông nghiệp, thủy sản 70 tỷ đồng, công nghiệp 6,07 tỷ đồng, kinh doanh thương mại, dịch vụ 3,71 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 25,6 triệu đồng/người. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 7,1%, không còn hộ đói.

Nghề nuôi trồng thuỷ - hải sản đã giúp Nam Cường thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ đê biển nhìn xuống sẽ không còn thấy dấu vết của vùng đất hoang sơ Nam Cường ngày nào, thay vào đó là miền quê trù phú với 100% nhà dân được kiên cố hoá. Trục đường xã được mở rộng, rải nhựa, hai bên đường có nhiều cửa hàng cửa hiệu, không khác phố thị là bao. Trụ sở UBND xã, hệ thống hạ tầng, đền thờ Bác... đều được xây dựng, nâng cấp khá khang trang. 

Trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, Nam Cường đang phấn đấu về đích vào năm 2015. Đến quý I/2013, xã đã đạt 14/19 tiêu chí của nông thôn mới, diện mạo nông thôn của vùng quê trước biển đang dần hình thành. Những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Nam Cường đã minh chứng cho lời Bác dạy: mọi việc khi bắt đầu làm đều khó, phải quyết tâm phấn đấu vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn.

Bây giờ, Nam Cường đang thực sự gặt hái những mùa “cam ngọt”...

Phan Thư (kinhtenongthon.com.vn)