Nam Đàn tạo vốn phát triển kinh tế - xã hội
- Chủ nhật - 07/04/2013 22:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cụ thể là khơi dậy, động viên, thu hút được ngày càng nhiều những năng lực tiềm ẩn rải rác về vốn liếng, kinh nghiệm, kỹ thuật, cách làm ăn của những người con Nam Đàn ở xa quê đang là giám đốc công ty, xí nghiệp, chuyên gia kỹ thuật, quản lý, nhà khoa học thuộc loại khá ở một số ngành, quận, huyện của TP Hà Nội, thông qua Hội đồng hương Nam Đàn. Hội đồng hương Nam Đàn ở Hà Nội, có khoảng ba mươi người, mỗi năm họp một lần vào ngày chủ nhật của quý I. Cuộc họp này có một số cán bộ lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện và một số cán bộ, chuyên gia của huyện Nam Đàn ra dự, chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Nam Đàn vì sao đạt được hoặc còn yếu kém. Những người con xa quê này, hằng năm ít nhất cũng có một lần về phép thăm gia đình, họ hàng, quê hương, ít nhiều đã thấy được thực tế sản xuất, kinh doanh, hoạt động văn hóa, giáo dục của huyện nhà nên càng thẳng thắn, mạnh dạn, chân tình trao đổi ý kiến với lãnh đạo huyện để góp phần nhân rộng cái làm được, khắc phục cái thiếu sót, khuyết điểm. Dự họp, nghe ý kiến đóng góp xong, số cán bộ huyện này rời Hà Nội về lại Nam Đàn để bổ sung, chỉ đạo 23 xã, bốn cụm xí nghiệp vừa và nhỏ, một thị trấn Nam Đàn, gần 50 trường học cấp 1, 2, 3, số làng nghề, mạng lưới cơ sở hoạt động văn hóa, bảo tàng, du lịch... phát huy mặt tốt, khắc phục điểm yếu.
Cách tạo vốn đa dạng hết sức tự nguyện, tự giác này đã góp phần giúp Nam Đàn chuyển biến đáng kể về sản xuất, kinh doanh, xây dựng nếp sống văn hóa, phát triển giáo dục, đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp mương, kênh thủy lợi, v.v. Đến nay, ngoài số vốn nhân dân trong huyện tự nguyện bỏ ra gần 60 tỷ đồng, 13 nghìn ngày công, hiến 40.131 m2 đất... những người con Nam Đàn xa quê làm ăn khá ở Hà Nội đã góp vốn về cho huyện vay hơn 20 tỷ đồng, 10 bộ máy tính, trong đó có gần 10 tỷ đồng cho vay không lấy lãi để huyện có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2012, mặc dù Nam Đàn cũng chịu tác động của suy giảm kinh tế trong nước, diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, trong đó có sự "tạo vốn đa dạng" nêu trên đã góp phần giúp Nam Đàn phát triển tương đối về kinh tế - xã hội. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng 6,29%; so với năm 2011 tăng 7,26%. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 97% kế hoạch năm 2012, tăng 2,3% so với năm 2011. Tổng sản lượng lương thực 86.900 tấn, đạt 102% kế hoạch năm 2012. Công tác chăm sóc bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng được triển khai thực hiện tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 9,51% so với thực hiện năm 2011. Một số sản phẩm có tiềm năng và lợi thế trên địa bàn huyện tiếp tục tăng khá như khai thác đá xây dựng, cát sỏi, may mặc xuất khẩu, chế biến lương thực, thực phẩm... Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 11% so với năm 2011. Số cơ sở kinh doanh tăng 16,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 17,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 20% so với năm 2011. Kinh doanh vận tải phát triển; lượng hàng hóa vận chuyển tăng 13%; vận chuyển hành khách tăng 11,4% so với năm 2011. Đầu tư xây dựng được 51,7 km đường cứng (rải nhựa và đổ bê-tông), 23 km kênh bê-tông đạt 115% kế hoạch, tăng 11,35 km so năm 2011. Một số dự án mới được khởi công xây dựng như: Cống ngăn lũ xã Nam Lộc, kè Nam Cường, đập đá Nam Thanh, hạ tầng khu tái định cư Ba Hà, Trường tiểu học Làng Sen... Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 53,2 tỷ đồng, bằng 149% kế hoạch tỉnh giao, bằng 115% kế hoạch huyện. Công tác chi ngân sách bảo đảm đúng nguyên tắc, chế độ và các yêu cầu quản lý tài chính. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới và tổ chức công bố quy hoạch đó; đã có 18 xã hoàn thành cắm mốc quy hoạch, 23/23 xã hoàn thành dự thảo đề án. Đã hoàn thành giải thể 35/36 hợp tác xã (HTX), thành lập mới 10 HTX và một tổ hợp tác theo kế hoạch thực hiện đổi mới và phát triển HTX. Công tác vệ sinh môi trường xử lý rác thải được nhiều xã triển khai thực hiện khá hiệu quả, một số xã đã triển khai thực hiện quy hoạch nghĩa trang theo hướng văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Về văn hóa, xã hội: Chất lượng giáo dục đại trà được tăng lên, có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học năm học 2011-2012 đạt 99,1%, có 1.215 em vào các trường đại học và cao đẳng, trong đó có một thủ khoa Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội; 108 em học sinh các cấp đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, một em học sinh lớp 5 đoạt Huy chương vàng Olimpic toán tuổi thơ toàn quốc; sáu em đạt học sinh giỏi quốc gia. Có thêm hai trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và một trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, đưa tổng số trường đạt chuẩn của huyện Nam Đàn lên 37 trường và 43 trường đạt tiêu chí "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện và Trường THPT Nam Đàn I được tỉnh công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ, các chương trình quốc gia về y tế, công tác y học dự phòng, khám chữa bệnh cho nhân dân đạt kết quả tương đối tốt, không để xảy ra dịch bệnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao diễn ra tương đối sôi nổi, rộng khắp. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách đối với người có công được bảo đảm thực hiện tốt. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và các cuộc vận động vì mục đích nhân đạo, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm tiếp tục được phát động và thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,62%. Năm 2012, Nam Đàn đã giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, đạt 100% kế hoạch, trong đó số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 800 người.
Nói về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2013, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thái Danh Quý khẳng định, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn quyết tâm phát huy những kết quả đã đạt được, để việc tạo vốn đa dạng này thành nếp làm tự nguyện hằng năm, góp phần thật sự giúp Nam Đàn tiếp tục có bước tăng trưởng hơn nữa.
Theo nhandan.com.vn