Nam Định: Những bước tiến vững chắc trong xây dựng Nông thôn mới
- Thứ năm - 29/06/2017 23:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Tính chung toàn tỉnh Nam Định đến hết năm 2016, các xã đạt gần 18 tiêu chí/xã (tăng hơn 12 tiêu chí so với năm 2010), đạt xấp xỉ chỉ tiêu thực hiện của vùng đồng bằng sông Hồng trong mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng NTM của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020.
Đến đầu tháng 3/2017, ngoài huyện Hải Hậu đã đạt chuẩn huyện NTM, mức đạt 9 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí huyện NTM của 8 huyện còn lại tại tỉnh Nam Định có ba tiêu chí đã đạt 100%; một tiêu chí có 6/8 huyện đạt; hai tiêu chí có 3/8 huyện đạt; tiêu chí Môi trường mới chỉ có 1/8 huyện đạt; tiêu chí Quy hoạch và tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục tạm thời chưa có huyện nào đạt. Tuy nhiên, trong năm 2017, Nam Định dự kiến có ít nhất hai huyện là Trực Ninh và Nghĩa Hưng đạt chuẩn huyện NTM.
Năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 31 xã, 2- 3 huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2018 có thêm 14 xã, 3 – 4 huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2019 có thêm 7 xã và các huyện còn lại đạt chuẩn NTM, để tỉnh Nam Định đủ điều kiện xét công nhận là tỉnh NTM. Năm 2020 tỉnh Nam Định phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Tỉnh cũng xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ 2016 - 2020 của toàn đảng bộ và nhân dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện với sự đồng thuận và trực tiếp tham gia của người dân. Tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Người nông dân là chủ thể xây dựng NTM”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Chung sức xây dựng NTM”.
Lãnh đạo tỉnh thống nhất quan điểm chỉ đạo không nóng vội chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, nhưng cũng không được trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ cấp trên. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc học tập, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, các điển hình tiên tiến về xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.
Giải pháp thực hiện của tỉnh là tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với chương trình xây dựng NTM; tập trung rà soát, đánh giá, phân loại, đề ra nhiệm vụ cụ thể đối với từng xã, huyện chưa đạt chuẩn NTM; tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”.
Theo đó, đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí theo quy định mới của Chính phủ và UBND tỉnh Nam Định. Từ đó, xây dựng kế hoạch duy trì, củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, thực hiện tốt công tác quản lý, quy hoạch, duy tu, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng, phục vụ thiết thực đời sống người dân. Đồng thời, tổ chức, nhân rộng các mô hình cộng đồng khu dân cư tự quản, tự tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình xây dựng NTM.
Khuyến khích các mô hình người dân tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Đồng thời, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các nguồn lực xã hội hóa, nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh trong xây dựng NTM; thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự giám sát của cộng đồng dân cư trong thực hiện các nội dung xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn theo đúng quy hoạch. Thực hiện đạt hiệu quả cao Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất gắn với đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân gắn với xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư xây dựng trước các công trình thủy lợi, giao thông và công trình phúc lợi xã hội; kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp bổ sung, nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các xã chú trọng đảm bảo chất lượng công trình, giảm chi phí gián tiếp, hạ giá thành, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Nam Định có 112 xã, thị trấn (gọi chung là xã) được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 53,6%), vượt 18,6% so với kế hoạch, cao hơn bình quân cả nước 37,6% (năm 2013 và 2014 được công nhận 65 xã, năm 2015 công nhận 47 xã). |