Nam Định: Tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản

Nam Định: Tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản
Trong những năm qua, nuôi trồng thuỷ sản tại tỉnh Nam Định đã có bước phát triển mạnh, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản không ngừng tăng qua các năm. Năm 2012, toàn tỉnh có 15.782ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi thủy sản nước lợ là 6.157ha, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 9.625ha, tổng sản lượng đạt hơn 53 nghìn tấn thuỷ sản.

Đặc biệt, nghề nuôi tôm chân trắng, ngao, cua, cá bống bớp, cá song, cá vược… phát triển mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. 

Trang trại nuôi tôm chân trắng của anh Nguyễn Hoàng Tuấn, xóm Tây Sơn, xã Hải Chính (Hải Hậu).

Trang trại nuôi tôm chân trắng của anh Nguyễn Hoàng Tuấn, xóm Tây Sơn, xã Hải Chính (Hải Hậu).

Nuôi trồng thủy sản đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn (nhất là nuôi theo hình thức công nghiệp). Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn trong việc vay vốn do ngân hàng lo ngại ngành này rủi ro cao. Ông Nguyễn Văn Bình, xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết, mỗi ha nuôi tôm công nghiệp cần đầu tư khoảng 1 tỷ đồng (chưa tính tiền mua đất và đầu tư xây dựng ban đầu). Với 1 ao nuôi rộng 5.000m2, tiền mua hóa chất xử lý nguồn nước là 30-40 triệu đồng, tiền con giống, thức ăn, điện… hàng trăm triệu đồng. Mặt khác, thời gian vay vốn ngắn sẽ không đáp ứng yêu cầu sản xuất đối với các loại cá có chu kỳ nuôi thả dài ngày như: cá song, cá vược, cá trắm đen, cá chép, cá lăng chấm... Trong khi đó áp lực trả nợ, lãi suất vay ở mức cao nên các doanh nghiệp, người nuôi muốn giải phóng hàng nhanh để thu hồi vốn. Nắm bắt được điều này, các thương lái lợi dụng ép giá khiến doanh nghiệp, người nuôi càng khó khăn hơn, vì bán sớm thì lỗ mà nuôi đến thời điểm được giá thì không đủ vốn… Hiện nay, khó khăn nữa của người nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh là con giống. Thống kê cho thấy, năm 2012, toàn tỉnh phải nhập gần 219 triệu con giống tôm sú, 264 triệu con giống tôm chân trắng, 100 vạn con giống cá vược, 76 vạn cá song, 167 vạn cá lóc bông. Cùng với khó khăn về giống, việc quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ, nhiều hộ còn áp dụng phương thức nuôi thả xen canh. Tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, phân tán còn phổ biến; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người nuôi chưa cao, chất thải, nước thải tự ý xả ra môi trường chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững của nghề nuôi trồng thuỷ sản. Đây là nguyên nhân căn bản khiến việc kiểm soát tình hình dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở phục vụ cho nuôi trồng chưa được đầu tư đồng bộ. Hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều vùng còn gặp khó khăn trong việc lấy nước, xả nước để cải tạo ao đầm. Những năm gần đây, thời tiết khí hậu thường xuyên biến đổi cũng gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Trong tháng 10-2012, cơn bão số 8 đã làm thiệt hại gần 7.000ha nuôi trồng thủy sản. Sản lượng ngao, cá thịt bị thiệt hại trên 1.700 tấn; gần 300ha nuôi tôm bị ngập hoàn toàn, gần 2.000ha ao đầm nuôi tôm sú bị sói lở, thiệt hại khoảng 1.000 tấn tôm. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên liệu trong sản xuất thủy sản có xu hướng tăng, gây khó khăn cho phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Hơn nữa, việc tiếp cận thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất và doanh nghiệp còn hạn chế, gây tình trạng mất cân đối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng; định hướng cho người nuôi theo quy hoạch, tránh hiện tượng nuôi tràn lan, manh mún... rà soát lại diện tích nuôi trồng, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh. Tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng như: thủy lợi, điện, giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi tập trung và vùng mới chuyển đổi. Ban quản lý giống thủy sản cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất, đáp ứng đủ giống có chất lượng cho người nuôi; hướng dẫn các cơ sở xây dựng thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nhất là những loại con nuôi có giá trị kinh tế cao như: cua biển, ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược…, tăng cường công tác kiểm dịch thuỷ sản. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và hải sản và Chi cục Thú y phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra các trại sản xuất giống, các cơ sở kinh doanh con giống, thức ăn, hóa chất… Các cấp, các ngành cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người nuôi. Bên cạnh đó, cần khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là chính sách hỗ trợ xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn theo hướng sản xuất hàng hóa, sạch và bền vững. Kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi trồng thủy sản. 

Ngọc Ánh 
Theo Báo Nam Định