Nam Định: Xây dựng nông thôn mới là một trong năm đột phá lớn
- Chủ nhật - 27/04/2014 09:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới và kết quả ban đầu
Sau hơn 03 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định đã huy động hơn 5.000 tỷ đồng; nhân dân tự nguyện góp hơn 4.828 tỷ đồng tương đương 2.414 ha đất; chỉnh trang, đắp được trên 5.319 km đường giao thông nội đồng, trong đó 1.071 km đã cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; xây mới và cải tạo, nâng cấp 2.309 km đường giao thông nông thôn, 25 nhà văn hóa xã, 15 khu thể thao xã, 1.407 phòng học các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở; xây mới 26 trạm y tế xã, 24 dự án cấp nước sạch nông thôn và 73 bãi xử lý rác thải.
Ủy ban nhân dân tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, không được “nóng vội” nhưng cũng không được “trông chờ”, “ỷ lại”; chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực và vai trò chủ thể của người dân xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm, làm từ thôn, xóm lên xã; xã lo xây dựng các công trình chính của xã, còn thôn, xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm; các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ và ba công trình vệ sinh của hộ gia đình. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới.
Công tác “dồn điền, đổi thửa” tiếp tục được tập trung chỉ đạo, đến nay có 80% số xã và 93% số thôn, đội đã hoàn thành giao đất thực địa. Tỉnh đã xây dựng 293 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (trong đó vụ Xuân 150 mô hình, diện tích 6.510 ha; vụ Mùa 143 mô hình, diện tích 6.339 ha), từng bước thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Trong 96 xã xây dựng nông thôn mới (gấp 4 lần chỉ tiêu trung ương giao) giai đoạn 2011 - 2015, đến nay đã có một số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, bình quân đạt 15-17 tiêu chí, không còn xã dưới 13 tiêu chí.
Sản xuất nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển, đạt kết quả và tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,8%/năm (theo giá so sánh năm 1994). Giá trị sản xuất/1 ha đất nông nghiệp tăng từ 75,4 triệu đồng năm 2010 lên 95 triệu đồng năm 2013; giá trị sản xuất /1 ha mặt nước nuôi, trồng thủy sản tăng từ 79 triệu đồng năm 2010 lên 120 triệu đồng năm 2013. Toàn tỉnh có 131 làng nghề, với 310 cơ sở sản xuất. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 9.049,1 tỷ đồng; tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn chiếm 52,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đạt 21,8%, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng và tăng cường. Tính đến cuối tháng 12-2013, tỉnh đã tổ chức được gần 900 lớp dạy nghề cho 24.477 lao động nông thôn. Lao động sau khi tham gia học nghề đều tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, thu nhập có cải thiện, nhất là các chủ trang trại, gia trại.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành 1 trong 5 đột phá lớn của tỉnh trong 03 năm qua (2010 - 2013), bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Tình hình chính trị - xã hội ổn định. Đời sống văn hóa nông thôn phong phú, ý thức cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm, các hoạt động từ thiện được khơi dậy và phát huy. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức sản xuất, huy động nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng được đề xuất và triển khai hiệu quả, như huyện Hải Hậu đã cụ thể hóa các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thành 12 tiêu chí xóm nông thôn mới, 8 tiêu chí gia đình nông thôn mới để thôn, xóm, hộ gia đình cùng tích cực tham gia đóng góp làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Thuận lợi, khó khăn và phương hướng, giải pháp xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm. Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Quyết định số 800/QĐ-TTg 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng nhận được sự đồng thuận của các cấp, ngành, cán bộ và nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc xây dựng nông thôn mới ở Nam Định cũng gặp không ít khó khăn như: 03 năm xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, suy thoái kinh tế, ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; việc thực hiện phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho nông dân không đơn giản và đòi hỏi phải có thời gian; thời gian đầu, nhận thức của một bộ phận đảng viên chưa đầy đủ, chưa thấy rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới nên còn lúng túng trong chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2014 sẽ có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết năm 2015 sẽ có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Nam Định xác định tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 8 nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Ở cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, duy trì động lực, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao để xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả.
Ba là, tăng cường quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch cấp xã, cắm mốc chỉ giới; xây dựng, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, xử lý kịp thời, nghiêm những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch. Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa; hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa ở những xã còn lại.
Bốn là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới bảo đảm tính khả thi. Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình triển khai. Triển khai trước các nội dung, tiêu chí có điều kiện thuận lợi, tập trung thực hiện các nội dung về phát triển kinh tế tăng thu nhập của người dân. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề nông thôn; sử dụng linh hoạt và hiệu quả quỹ đất nông nghiệp; lập phương án chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình canh tác hiệu quả cao hơn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh và chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh. Phát triển mạnh sản xuất vụ đông, kinh tế trang trại và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Năm là, tích cực huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng nông thôn theo đề án được duyệt, kế thừa tối đa các công trình phục vụ sản xuất, các công trình giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn.
Sáu là, quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm lo phát triển giáo dục, y tế. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa; thực hiện tốt cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn.
Bảy là, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ xã. Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thiết thực. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các xã đối với nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Mỗi đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục vận động thực hiện các tiêu chí, nội dung cụ thể đã đăng ký.
Tám là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất các nông sản hàng hóa chủ lực có lợi thế của tỉnh; khuyến khích đầu tư xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ xây dựng điểm các mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt theo chuỗi từ sản xuất tới sơ chế, bảo quản và tiêu thụ.
Chín là, triển khai rà soát, xét, công nhận xã nông thôn mới, xóm nông thôn mới. Tổng hợp nhu cầu và khả năng của 113 xã còn lại để có phương án phù hợp hỗ trợ xây dựng nông thôn mới./.