Nam Giang huy động toàn lực xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 17/07/2019 22:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều giải pháp đã được lãnh đạo huyện đưa ra nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu chung của tỉnh Quảng Nam.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện Nam Giang “thay da đổi thịt” từng ngày. |
Tính đến nay, toàn huyện Nam Giang vẫn chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn đến nay của huyện là 10 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Với một huyện nghèo như Nam Giang thì đây là cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Để có được kết quả này thì trước đó, giai đoạn từ năm 2016 – 2018, UBND huyện Nam Giang đã kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình xây dựng NTM từ huyện đến xã đảm bảo quy định và hoạt động nề nếp.
Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh song song với việc phát động Phong trào “Nam Giang chung sức xây dựng NTM”, đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Huyện cũng đã chỉ đạo các ngành và địa phương rà soát lại quy hoạch xây dựng NTM, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội…
Ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, sự nỗ lực của địa phương đã dần đưa nền kinh tế huyện nhà đi vào ổn định, nhất là 10 năm trở lại đây GDP tăng trưởng khá, củng cố hệ thống chính trị, phát triển văn hóa xã hội.
“Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá, gồm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng NTM; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thành quả không chỉ là những con số ấn tượng về tăng trưởng của huyện, mà có cả những đổi thay lặng thầm mà đầy ý nghĩa trong từng nếp nhà, từng bản làng vùng cao. Đời sống bà con nay đã khác xưa, cơ bản không còn hộ đói; xóa được nhiều nhà tạm cho gia đình chính sách, người có công; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững”, ông Mai chia sẻ.
Trong nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Nam Giang đặc biệt chú trọng đến việc giúp các thôn, xã nằm trong danh sách những địa phương đặc biệt khó khăn khu vực biên giới được Thủ tướng Chính phủ công nhận, triển khai giúp các thôn, xã này đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
“Để làm được điều này, thì UBND xã, BCĐ, Ban quản lý NTM ở các xã biên giới tổ chức kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ xã, Ban phát triển nông thôn một cách hiệu quả nhất; cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân, có cách làm sáng tạo”, đại diện huyện Nam Giang cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được thì Nam Giang vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Có thể kể đến một trong số đó là nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại các xã biên giới về chương trình xây dựng NTM khá hạn chế; công tác dân vận nhất là dân vận chính quyền một vài nơi hiệu quả chưa cao; chưa có nhiều mô hình hay, những nhân tố tiêu biểu để nhân rộng.
Cùng với đó, thực trạng các tiêu chí về NTM trên địa bàn các thôn của xã biên giới còn ở mức thấp so với tiêu chuẩn quy định, yêu cầu phải có nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng; điều kiện vị trí địa lý của các thôn, xã biên giới xa trung tâm huyện nên phần nào hạn chế khả năng thu hút nguồn lực đầu tư của DN.
“Trước thực trạng này, việc xây dựng NTM ở Nam Giang phải có thời gian dài và ưu tiên hỗ trợ kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam để địa phương triển khai. Từ đó, tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào địa bàn miền núi, nhất là đầu tư phát triển sản xuất để giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và có chính sách trợ giá đối với nông sản của miền núi”, lãnh đạo huyện Nam Giang đề nghị. |