Nậm Pồ - Điện Biên: Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường

Nậm Pồ - Điện Biên: Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường
Với xuất phát điểm là một huyện nghèo, mới thành lập năm 2012, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, Nậm Pồ đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện tiêu chí.
 
Mô hình xây lò đốt rác theo nhóm hộ gia đình tại xã Chà Nưa được huyện Nậm Pồ khuyến khích mở rộng trên địa bàn các xã trong huyện.
Mô hình xây lò đốt rác theo nhóm hộ gia đình tại xã Chà Nưa được huyện Nậm Pồ khuyến khích mở rộng trên địa bàn các xã trong huyện.

Hiện nay trên địa bàn huyện Nậm Pồ chủ yếu các hộ dân sử dụng nước sinh hoạt là nước mặt qua hệ thống tự chảy do Nhà nước đầu tư. Do dân cư sống không tập trung, để đầu tư được một công trình nước sinh hoạt cho một bản thì cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách của huyện có hạn, đối với các công trình đã đầu tư xây dựng người dân còn có tâm lý trông chờ ỉ lại vào Nhà nước nên trong quá trình sử dụng nếu hỏng ống tuyến, hoặc vòi khóa hầu như là trông chờ vào Nhà nước đầu tư sửa chữa.

Cùng với đó, hệ thống đường nội bản chủ yếu là lối nhỏ (hầu hết chưa có đường, trừ các bản tại trung tâm các xã), tập quán chăn thả rông gia súc, gia cầm còn phổ biến gây mất vệ sinh môi trường. Các xã trên địa bàn huyện chưa có bãi rác chung, chưa có quản lý và hệ thống xử lý rác theo quy định (trừ khu trung tâm huyện, trung tâm xã Nà Hỳ, trung tâm xã Chà Cang).

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Từ thực tế khó khăn trong thực hiện tiêu chí về môi trường, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, tập trung hỗ trợ nguồn lực và sự nỗ lực trong nhân dân. Nhận thấy các mô hình thực hiện tiêu chí môi trường của xã Chà Nưa đã và đang đạt được những kết quả tích cực, UBND huyện Nậm Pồ đã khuyến khích các xã trên địa bàn huyện học tập, vận dụng.

Xã Chà Nưa không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Nậm Pồ. Tuy nhiên, với nhiều cách làm sáng tạo, biết huy động nguồn lực trong dân đối với các tiêu chí môi trường, đến nay, xã Chà Nưa đã hoàn thành 3/4 chặng đường tiêu chí.

Năm 2016, xã huy động đoàn viên thanh niên, người dân các thôn, bản trồng trên 2.000 cây ban, cây che bóng dọc quốc lộ 4H và xung quanh các bản (bình quân mỗi hộ trồng 3 cây). Công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng mới được UBND xã Chà Nưa phân đến từng chi bộ, bản và các đoàn thể xã. Chiều thứ 6 hàng tuần, các ban, đoàn thể xã phụ trách tưới nước, chăm sóc cây dọc tuyến quốc lộ 4H; các chi bộ và người dân các bản tự chăm sóc các khu vực trồng cây do bản quản lý. Tỷ lệ sống của cây đạt 100%.

Tháng 5/2017, xã Chà Nưa đã nhân rộng thành công phong trào xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được trên 100 lò đốt rác, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác và xử lý rác đúng nơi quy định. Góp phần xử lý khoảng 85% lượng rác thải sinh hoạt.

Người dân bản Nà Ín, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ nhận thức rõ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường
Người dân bản Nà Ín, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ nhận thức rõ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường

Ông Thùng Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Trước đây, một phần do thói quen sinh hoạt, phần khác do chưa có điều kiện nên phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã Chà Nưa chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đến này, đầu năm 2017, xã Chà Nưa tập trung tuyên truyền vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời xã vận động, kêu gọi các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn ủng hộ xi măng, gạch và thiết bị nhà vệ sinh để hỗ trợ người dân dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với mức hỗ trợ là 1triệu đồng/hộ.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, chia sẻ: Để tập trung nguồn lực thực hiện tiêu chí môi trường, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, chỉnh trang tường rào, chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh

Cùng với đó, thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn thôn, bản; tổ chức vận động Nhân dân xây dựng nội quy bảo vệ môi trường trong hương ước của cộng đồng dân cư. Mỗi gia đình đều có đủ công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn, có hệ thống chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái ở mỗi gia đình và các khu vực cộng đồng theo hướng xanh - sạch - đẹp. Mỗi thôn, bản thành lập các tổ quản lý môi trường, các tổ thu gom và xử lý rác thải tại cộng đồng các thôn, bản, các điểm dân cư, khu tập trung đông người như chợ, trường học...; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho mọi người dân đều được dùng nước hợp vệ sinh.

Thực hiện quy hoạch và xây dựng các khu nghĩa trang, nghĩa địa hiện có và các khu mới phù hợp với quy hoạch chung của xã cũng như phong tục tập quán của từng dân tộc, của cộng đồng dân cư. Xây dựng quy chế quản lý và thành lập các tổ quản trang. Thành lập tổ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom và xử lý rác thải, đối với khu dân cư phân tán, các hộ gia đình tự xử lý bằng các hình thức phù hợp. Chất thải nguy hại phải được thu gom riêng và lưu trữ ở nơi riêng biệt, để tránh ô nhiễm môi trường...

Hà Thuận/baotainguyenmoitruong.vn