Năm tổ chức tín dụng áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức yêu cầu năm tổ chức tín dụng (TCTD) gồm: NHTMCP Mê Kông, NH Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và NHTMCP Bưu điện Liên Việt áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc theo Thông tư 20/2010/TT-NHNN để hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.

NHNN sẽ thực hiện hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn của các TCTD này thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ; áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường. Theo đó, mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam mà các TCTD này được áp dụng bắt đầu từ tháng 2/2012 đến tháng 7/2012 theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010 của NHNN. Như vậy, các TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70% thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bằng 1/5 so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.

Các TCTD này có trách nhiệm thực hiện dự trữ bắt buộc theo yêu cầu và quy định của NHNN; đồng thời định kỳ hàng tháng báo cáo Vụ Tín dụng - NHNN về tình hình cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn và tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có liên quan có trách nhiệm xác định và thông báo mức dự trữ bắt buộc đối với các TCTD trên.

Theo thông tư 20, NHNN sẽ dành lượng tiền cung ứng hàng năm để tái cấp vốn cho TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ. Các khoản cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được NHNN ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay, so với các lĩnh vực khác. Chính sách quan trọng này được đánh giá là động lực để các TCTD đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tiếp thêm nguồn vốn cho khu vực này./.
 
(TTXVN)