Nan giải bài toán huy động sức dân

Để xây dựng nông thôn mới, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã chọn xã Cẩm Ngọc làm xã điểm. Song việc huy động sức dân ở Cẩm Ngọc đang gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát điểm thấp

Được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Cẩm Thủy, thời gian qua chính quyền và người dân xã Cẩm Ngọc đã đẩy nhanh quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM… Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng NTM, địa phương này đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn về huy động nguồn vốn trong dân, Cẩm Ngọc còn thiếu quỹ đất trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, hệ thống trường THCS đang thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm… nên học sinh phải học 2 ca/ngày.

Phát triển đàn gia súc là thế mạnh của xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy để xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Hoành Nông - Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc cho biết: “Sau 1 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt được 8 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí cơ bản như: Quy hoạch NTM, điện, bưu điện, hệ thống tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, an ninh trật tự, hệ thống chính trị... Tuy nhiên, để thực hiện được 19 tiêu chí trên địa bàn xã là một bài toán nan giải đối với Cẩm Ngọc. Bởi lẽ, đời sống của người dân đang còn nghèo, không có tích lũy vốn, trình độ dân trí đang ở mức thấp, nên chưa thực sự hiểu được xây dựng NTM là cho chính người dân hưởng thụ...”.

Do đó, theo ông Nông, để triển khai thực hiện tốt chương trình NTM giai đoạn 1, Cẩm Ngọc lập ra đề án, kế hoạch để thực hiện với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, chỉ để lại phần đất đủ để đảm bảo an ninh lương thực. “Cái khó nhất trong xây dựng NTM ở Cẩm Ngọc là huy động các nguồn vốn”- ông Nông nói.

Chọn hướng đi phù hợp

Từ những điều kiện thực tế của địa phương, lãnh đạo xã Cẩm Ngọc đã mạnh dạn, chủ động tìm cách làm mới để đưa ngành chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trở thành ngành sản xuất chính, có bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Cao Tuấn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Ngọc cho biết: “Chúng tôi chọn cách chuyển đổi đất khô hạn trồng lúa không ăn chắc sang trồng cây mía cho hiệu quả kinh tế cao, tăng tỷ trọng trong chăn nuôi nông nghiệp, kết hợp với kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, thương mại… để làm “điểm tựa xây dựng NTM”.

“Để xây dựng thành công NTM ở Cẩm Ngọc, không còn cách nào khác ngoài việc chọn hướng đi thật phù hợp với tình hình địa phương. Đó là cái nào dễ làm trước, điều nào khó làm sau”.
Cũng theo Bí thư Lương, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của Cẩm Ngọc vẫn còn 17,6%, số hộ cận nghèo đang chiếm 14,5%. Trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều; cây trồng và sản phẩm của người dân làm ra khi mang đi tiêu thụ, thì giá cả bấp bênh, không quản lý được, nên thu nhập của bà con vẫn còn ở mức thấp…

“Để phát triển chăn nuôi được thuận lợi, xã đã ban hành nghị quyết về quy hoạch phát triển kinh tế chăn nuôi đàn gia súc. Rà soát lại diện tích đất 5% do xã quản lý để cho người dân đấu thầu, phát triển trang trại. Đồng thời tập trung chuyển đổi diện tích đất đồi, bãi sông và đất trồng lúa không ăn chắc sang trồng mía. Hiện nay, diện tích mía của Cẩm Ngọc đã tăng lên 152ha mía cho năng suất cao. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015, sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM”- ông Lương cho hay.

Theo danviet.vn