Nâng cao giá trị, tạo thương hiệu cho sản phẩm Việt
- Thứ hai - 25/09/2017 00:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh qua triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với việc phát triển thị trường nội địa đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của địa phương chú trọng phát huy lợi thế về ngành nghề truyền thống và lao động tại chỗ để phát triển sản xuất, tạo sự phong phú cho hàng hóa Việt Nam.
Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2013 đã đi đầu trong việc triển khai mô hình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Mô hình OCOP được tổ chức theo hướng các hộ dân liên kết với nhau, trở thành nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ, vừa với quy mô sản xuất vừa phải, rồi dần dần phát triển thành doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, tập đoàn... sản xuất ra nhiều sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân.
Sau 3 năm thực hiện tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 180 doanh nghiệp tham gia, thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh đã có 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP, trong đó đã đánh giá và phân hạng 121 sản phẩm, kết quả có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Trong 3 năm, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất tại Quảng Ninh đạt hơn 672 tỷ đồng.
Bên cạnh đó các địa phương cũng đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương. Thành phố Hà Nội đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm: tượng gỗ xã Dân Hòa, tương, miến Cự Đà, Nếp cái hoa vàng Đông Anh, Gỗ mỹ nghệ Vân Hà; tỉnh Hòa Bình với thương hiệu cam Cao Phong, một số sản phẩm của Vinamilk, giầy dép Bitis, may mặc Việt Tiến…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT, trong cơ chế thị trường và hội nhập sâu rộng hiện nay không thể tiếp tục phương thức “trăm hoa, đua nở”, “mạnh ai nấy chạy” mà các địa phương phải hợp tác liên kết để cùng nhau khai thác lợi thế của vùng, địa phương mình và liên kết các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Từ thực tế trên ông Toản cho rằng, cần lựa chọn lĩnh vực liên kết thích hợp và hoàn thiện tổ chức liên kết. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn mô hình liên kết, lựa chọn mặt hàng thực hiện liên kết phù hợp nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết bên cạnh việc phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động, phải tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để tinh thần cuộc vận động thấm sâu vào người tiêu dùng, các doanh nghiệp. Đặc biệt cần giới thiệu mô hình chuỗi “Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm” nâng cao chất lượng, giá trị và tạo thương hiệu cho sản phẩm Việt, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh trong xu thế hội nhập sâu rộng.
Theo: Anh Vũ/daidoanket.vn