Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn

Thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo nên bộ mặt văn hóa của nông thôn. Để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thông qua đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập, đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý để hệ thống thiết chế này hoạt động hiệu quả.
Biểu diễn hát xoan của Câu lạc bộ thiếu nhi làng An Thái, TP Việt Trì (Phú Thọ).

 

Thực trạng không ít nhà văn hóa hoạt động kém hiệu quả, hoặc xây rồi bỏ không đã khiến một số địa phương không còn mặn mà, quan tâm xây nhà văn hóa, dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất dành cho thiết chế văn hóa, thể thao. Nhưng thực tế hàng chục năm qua đã chứng minh, nếu không có thiết chế văn hóa, thể thao thì không thể tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không thể xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn. Vì vậy, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển văn hóa ở nông thôn, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đã đưa ra những quy định cụ thể về việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, trong đó quy định rõ về diện tích đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mỗi thiết chế theo quy mô thôn, xã. Cho nên khi xây dựng nông thôn mới, không chỉ chú trọng xây dựng đường sá, cầu cống, cảnh quan mà quên mất những công trình văn hóa, thể thao. Bên cạnh việc cải tạo các công trình đã có, những nơi nào chưa có phải dành đất xây mới.

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn không chỉ dừng ở chỗ xây dựng một cái nhà là xong, mà phải xây dựng nội dung hoạt động, tổ chức các hình thức hoạt động thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Sở dĩ có những nhà văn hóa không thể sáng đèn vì không có nội dung hoạt động. Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Minh San cho rằng: “Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn phải đồng thời tiến hành cả hai công việc, xây dựng cơ sở vật chất và nội dung hoạt động. Đó là hai mặt của một thể thống nhất, không thể tách rời nhau, như một trái cây vừa có vỏ lại vừa có ruột”.

Để thiết chế văn hóa, thể thao có nội dung và hình thức hoạt động phong phú, hấp dẫn, đề án của Bộ VHTT và DL đã chú ý khâu then chốt là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, củng cố tổ chức bộ máy. Theo đó, “Đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân”. Người điều hành có tác dụng quyết định đến hoạt động của các thiết chế. Chủ nhiệm, ban chủ nhiệm và đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở phải là những người có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đồng thời phải là người gắn bó mật thiết với làng, xã. Từ đó, nắm bắt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Đối với những vùng có di sản văn hóa phi vật thể, nhất là được thế giới công nhận như ca trù, quan họ, cồng chiêng… thì việc tổ chức gìn giữ, phát huy di sản là nội dung sinh hoạt hấp dẫn và bổ ích của thiết chế.

Xuất phát từ nhu cầu muôn mặt đó, những người điều hành thiết chế sẽ xây dựng, sáng tạo các chương trình, hình thức hoạt động phong phú, lôi cuốn, tránh được lối mòn, khô cứng. Bộ VHTT và DL đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, ở cấp thôn, các thiết chế văn hóa, thể thao tổ chức hoạt động thu hút 50% tổng số dân đến sinh hoạt thường xuyên (khu vực miền núi là 30%) trong đó đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; ở cấp xã, tổ chức hoạt động thu hút 25% tổng số dân sinh hoạt thường xuyên (khu vực miền núi là 20%).

Đề án của Bộ VHTT và DL đã nhấn mạnh mục tiêu đổi mới về cơ chế quản lý, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định của Chính phủ. Theo Cục trưởng Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy: “Ngân sách dành cho các thiết chế rất hạn hẹp, nhiều thiết chế không thể hoạt động thường xuyên vì thiếu kinh phí. Để giải quyết vấn đề này cần làm tốt công tác xã hội hóa, nhằm tăng nguồn thu, vì thực hiện cơ chế tự chủ, bảo đảm chủ động chi tiêu có hiệu quả”. Vấn đề xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao đã được đặt ra từ lâu, nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính. Các tập thể, các nhà đầu tư và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn được hưởng chính sách về xã hội hóa theo Nghị định của Chính phủ.

Ở một số địa phương đã đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng và quản lý các công trình thể thao, như các sân bóng đá, nhà thi đấu, bể bơi… Tuy nhiên, hiệu quả việc xã hội hóa còn rất hạn chế. Ở nông thôn không phải nơi nào cũng có điều kiện xã hội hóa vì nó theo đà phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Xã hội hóa còn phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm. Cho nên sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế văn hóa có tác dụng rất lớn thúc đẩy xã hội hóa, họ là người tìm ra đầu mối để tuyên truyền vận động các đối tác tham gia. Ở làng quê, nhiều người đi làm ăn xa, thành đạt, thường đóng góp cho việc xây dựng quê hương, nhưng chỉ cung tiến cho các đình, chùa. Nếu cán bộ văn hóa cơ sở tuyên truyền vận động tốt, chắc chắn sẽ có người tham gia ủng hộ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, cho địa phương.

Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn của Bộ VHTT và DL đang trong quá trình triển khai. Hy vọng rằng, khi đi vào cuộc sống sẽ có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 


NGUYỄN THU HIỀN
Theo nhandan.org.vn