Nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi: Phân rõ trách nhiệm

KTĐT - Trước thực trạng hiệu quả khai thác của các công trình thủy lợi (CTTL) ngày càng yếu kém, cuối tuần qua, Bộ NN&PTNT đã bàn thảo cùng với đại diện các địa phương và nhiều công ty khai thác thủy lợi để tìm giải pháp.
Nhiều hạn chế

Theo thống kê của Vụ Quản lý CTTL (Tổng cục Thủy lợi), hiện nay cả nước có trên 900 hệ thống thủy lợi lớn và vừa có quy mô phục vụ diện tích từ 200ha trở lên, 6.681 hồ thủy lợi, 10.076 đập dâng, 13.347 trạm bơm, hơn 5.500 cống tưới, hơn 6.100km đê sông, trên 254.800km kênh mương và hàng vạn công trình trên kênh... Tổng năng lực thiết kế của hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới cho khoảng 3,45 triệu hecta và tiêu cho 1,72 triệu hecta đất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, hiệu quả khai thác của các CTTL chưa cao.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý CTTL đánh giá, bình quân chung hiệu quả của các hệ thống thủy lợi trên toàn quốc đều thấp hơn công suất thiết kế ban đầu. Diện tích được đảm bảo chủ động tưới tiêu còn thấp, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng bị hạn, úng lớn. Nhiều hệ thống thủy lợi đang bị xuống cấp nhanh do không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, thậm chí có công trình mới đưa vào hoạt động đã bị hư hỏng. Trong khi đó, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ CTTL diễn ra phổ biến nhưng việc xử lý và xử phạt theo quy định không triệt để.

Kiểm tra, vận hành trạm bơm Bá Giang, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiên Tú


Đặc biệt, chất lượng nguồn nước do hệ thống thủy lợi cung cấp không đảm bảo, có nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đơn cử, tại hệ thống thủy lợi sông Nhuệ trên địa bàn Hà Nội, kết quả giám sát chất lượng nước cho thấy, nguồn nước sông bắt đầu bị ô nhiễm nghiêm trọng từ cầu Tó (Thanh Trì). Theo các số liệu quan trắc của Viện Quy hoạch thủy lợi đo được tại cầu Tó, hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước như BOD, NO2, Coliform đều vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Tại sông Cầu Bây (Gia Lâm), hàm lượng chất hữu cơ cũng vượt tiêu chuẩn cấp nước cho nông nghiệp...

Tăng phân cấp

Nâng cao hiệu quả khai thác các CTTL hiện có là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu nước cho phát triển đa ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo Dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả khai thác CTTL do Bộ NN&PTNT xây dựng, mục tiêu đến năm 2020, hiệu suất sử dụng của các CTTL được nâng lên, đạt trên 80%, đồng thời tăng 5% diện tích gieo trồng được tưới so với hiện nay và giảm được 10% mức tiêu thụ điện năng trên 1ha.Để đạt được mục tiêu trên, nhiều đại biểu đề xuất, Bộ NN&PTNT cần tổ chức đầu tư duy tu, sửa chữa các CTTL và hoàn chỉnh kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Đặc biệt, một trong những giải pháp mấu chốt là tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác CTTL. Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Đắk Lắk chia sẻ, việc quản lý CTTL hiện nay mới chỉ "mạnh" ở tuyến T.Ư, tỉnh nhưng về tới huyện lại yếu kém, có huyện không có kỹ sư thủy lợi nào. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường năng lực quản lý CTTL cho địa phương.

 
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng quy định chặt chẽ theo hướng phân cấp rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở như xã, huyện trong việc phát huy hiệu quả CTTL trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường và làm rõ vai trò, quyền, trách nhiệm của các tổ chức hợp tác dùng nước, phát huy cao độ sự tham gia của người dân vào công tác quản lý. Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
 
 
Thiên Tú
ktdt.com.vn