Nâng cao hiệu quả sản xuất sau dồn điền, đổi thửa
- Thứ tư - 14/11/2018 10:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Niềm vui chưa trọn vẹn Xứ đồng Xanh Cạn, thôn Phù Long, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) sau mấy cơn mưa cuối tháng 10 đã dềnh nước lên đầy mặt ruộng lúa vụ mùa năm 2018, khiến nhiều nông dân tất bật đưa máy gặt công suất lớn ra đồng thu hoạch vì sợ lụt. Anh Ðinh Gia Thụy ở thôn Phù Long cho biết, trước đây gia đình anh được chia sáu thửa ruộng nằm rải rác ở các xứ đồng Xanh Cạn, Cửa Ðình, Dọc Chua, Ðồng Bông. Ruộng trũng lại xa, thửa nhỏ, cho nên mỗi lần gặt lúa chạy lụt, gia đình anh rất vất vả. Thực hiện chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước về DÐÐT, cả thôn Phù Long phấn khởi vì đất nông nghiệp được chia thành những thửa ruộng lớn, tiện lợi mọi bề cho người dân sản xuất. Trong đó, gia đình anh Thụy được chia hai thửa, có thể thuê phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Nhưng đến thời điểm này, gia đình anh vẫn chưa được cấp GCNQSDÐNN. Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Láng Nội, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn bức xúc: "Sau khi chia lại ruộng, gia đình tôi có hai thửa, gồm một thửa chân mạ 330 m2 và một thửa ruộng cấy 2.000 m2. Ruộng lớn như vậy rất thuận lợi cho việc áp dụng khoa học - kỹ thuật thâm canh. Năng suất lúa, các loại cây trồng của gia đình tôi tăng hơn hẳn so với các vụ trước. Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDÐNN rất chậm, gia đình không biết là đang sản xuất trên ruộng của mình hay ruộng của người khác; không biết xã có giao đủ diện tích đất sản xuất không?". Tại các huyện Yên Mô, Hoa Lư, Kim Sơn và một số huyện khác của tỉnh Ninh Bình, qua tìm hiểu chúng tôi thấy, hàng nghìn hộ dân cũng chưa được cấp GCNQSDÐNN sau khi tỉnh thực hiện DÐÐT. Ông Lê Văn Hữu, ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh phàn nàn: Từ xưa, việc sinh, tử, giá thú đều liên quan đến ruộng đất. Ðất của làng nào có bạ của làng đó. Có nghĩa là ruộng đất của các làng đều có sổ sách ghi chép, thế mà sau khi tỉnh thực hiện DÐÐT, đến nay nhiều hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa có GCNQSDÐNN, đúng là "Ðiền bất cập bạ". Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình Lê Hùng Thắng cho biết: Trước đây, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 313-QÐ/UB ngày 6-4-1993 quy định giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, gắn với đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Ðến năm 1998, tỉnh cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo đúng Luật Ðất đai năm 1993. Trong đó, tỷ lệ cấp GCNQSDÐNN đạt hơn 98%; đất ở tại khu vực nông thôn đạt hơn 95%, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó đến nay, tỉnh đã thực hiện hai lần DÐÐT. Lần thứ nhất từ năm 2002 đến 2003. Vài năm sau, tỉnh tiếp tục DÐÐT lần thứ hai, gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về xây dựng nông thôn mới; và gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020. Lần này, tỉnh có 111 trong số 119 xã tham gia DÐÐT với diện tích hơn 36.000 ha. Có tám xã không thực hiện DÐÐT là: Kim Ðông, Kim Trung, Kim Hải (huyện Kim Sơn); Mai Sơn (Yên Mô); Kỳ Phú (Nho Quan); Khánh Thiện, Khánh Phú (Yên Khánh); Ninh Xuân (Hoa Lư) với lý do đất nông nghiệp chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản, đất ruộng bậc thang, đất manh mún không thể thực hiện DÐÐT. Ðáng nói là sau khi thực hiện DÐÐT nhiều vị trí, số lượng thửa đất, quy mô diện tích đất giao cho các hộ dân thay đổi rất nhiều, song việc cấp GCNQSDÐNN cho các hộ dân lại thể hiện rõ bất cập, chưa kịp thời và lúng túng. Vị trí thửa đất, diện tích đất thay đổi có nghĩa GCNQSDÐNN được cấp trước đây không còn giá trị sử dụng, dẫn đến tình trạng người dân rất khó thực hiện quyền sử dụng đất như: thế chấp vay vốn ngân hàng, hoặc chuyển nhượng, thừa kế. Hơn nữa, trong quá trình DÐÐT, nhiều người dân tự nguyện hiến đất nông nghiệp để làm đường giao thông, thủy lợi, nhưng ngành chức năng của tỉnh lại chưa chỉnh lý kịp thời bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất sản xuất nông nghiệp. Chưa kể GCNQSDÐNN của một số hộ gia đình, cá nhân hiện tại đang thế chấp ở một số ngân hàng để vay tiền cho con ăn học, hoặc vay đầu tư phục vụ sản xuất, cũng gây ra khó khăn cho ngành chức năng khi hoàn thiện hồ sơ cấp mới GCNQSDÐNN. Mặt khác, trong lần DÐÐT thứ hai của tỉnh, hầu hết phương án DÐÐT do UBND các xã lập, phòng tài nguyên và môi trường các huyện chủ trì và UBND các huyện, thành phố phê duyệt lại không chi tiết, cụ thể đến từng chủ đất; không có thông tin diện tích, vị trí, loại đất được giao; không có thông tin biến động tăng, giảm diện tích đất của từng hộ khi chuyển nhượng, chia tách hoặc bị thu hồi đất phục vụ các dự án. Ðối với các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện hiến tặng đất để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, do không có văn bản hiến tặng, UBND cấp huyện không có quyết định thu hồi đất, cho nên rất khó khăn trong việc chỉnh lý biến động đất đai và cấp GCNQSDÐNN. Ðể nông dân yên tâm bám ruộng Thực tế việc DÐÐT tại tỉnh Ninh Bình đã tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Theo kết quả DÐÐT thì số thửa ruộng chia bình quân cho các hộ đã giảm từ 4,3 thửa/hộ xuống còn hơn hai thửa/hộ. Ðồng thời, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân ở các vùng nông thôn Ninh Bình đã hiến 1.093 ha đất làm đường giao thông, thủy lợi, trong đó có 6.085 tuyến đường nội đồng được làm mới với tổng chiều dài hơn 1.535 km và 3.623 tuyến kênh, mương với tổng chiều dài hơn 971 km. Nhiều hộ sau DÐÐT đã tích tụ được đất đai đưa vào sản xuất như hộ gia đình ông Bùi Ðức Thịnh, ở thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn tích tụ được 1,5 ha đất quảng canh. Ông Thịnh cho biết, đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá trắm, chép, trôi, mè; và trồng cây ăn quả. Tám tháng đầu năm 2018, gia đình ông thu hoạch 35 tấn cá, bán được hơn 1,5 tỷ đồng. "Ðối với nông dân, ruộng đất là vũ khí, không có ruộng lớn làm sao chiến đấu ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao được?", ông Thịnh bày tỏ. Còn ông Phạm Văn Tú ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư cho biết: Trước đây, mỗi hộ gia đình ở nông thôn được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Giấy chứng nhận đó có thể coi như chứng minh thư của một thửa đất, có thể bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; đồng thời giúp cho cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý tốt hơn về đất đai. Sau DÐÐT, nông dân đã có nhiều thửa ruộng lớn rồi, song sản xuất cứ như "trên mây", vì ruộng đất chưa có cơ sở pháp lý. Không biết bao giờ nông dân trong tỉnh mới được cấp GCNQSDÐNN? Ðược biết, thực hiện Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về tăng cường các biện pháp hoàn thành việc cấp GCNQSDÐNN, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính để cấp GCNQSDÐNN cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn sau DÐÐT. Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố dành ít nhất 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDÐNN, kết hợp xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới có hai xã cấp được GCNQSDÐNN cho người dân. Ðó là xã Khánh Cường, cấp 1.426 giấy, đạt 81% và xã Khánh An (đều thuộc huyện Yên Khánh) cấp 458 giấy. Nếu so với số lượng 97 xã thực hiện xong DÐÐT và tổ chức chỉnh trang đồng ruộng, thì việc cấp GCNQSDÐNN còn rất chậm, khiến người dân băn khoăn. Ðồng chí Ðinh Văn Ðiến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thẳng thắn thừa nhận: "Tỉnh nhận rõ khuyết điểm và xác định đây là nhiệm vụ khó, việc thì nhiều, lại động chạm đến quyền lợi của người dân, cho nên lãnh đạo tỉnh rất quan tâm khắc phục tình trạng trên "nóng" dưới "lạnh". Thậm chí đối với những huyện, xã, thôn có biểu hiện tham nhũng về đất đai, thì tỉnh mời công an vào cuộc mới hy vọng đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDÐNN cho người dân trong thời gian tới". Thiết nghĩ, tỉnh Ninh Bình cần xây dựng kế hoạch cấp GCNQSDÐNN khoa học, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDÐNN cho người dân. Các huyện, thành phố cần sớm rà soát lại toàn bộ việc DÐÐT, xem xét tính pháp lý của từng thửa đất khi đo đạc lập bản đồ địa chính; cập nhật chính xác những biến động về đất đai, kịp thời ngăn chặn tình trạng một số thôn, xóm, xã sau khi DÐÐT có diện tích đất dôi dư do làm thiếu, làm ẩu rồi đưa vào "quỹ đen" để gian lận, tham nhũng đất đai. Ðồng thời, đánh giá cụ thể khó khăn, vướng mắc của từng xã, từng thôn, chủ động bố trí kinh phí thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, chỉnh lý những biến động đất đai; bảo đảm dành ít nhất 10% số tiền thu sử dụng đất thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi kê khai đăng ký đất đai, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, có như vậy mới khắc phục được những bất cập về cấp GCNQSDÐNN sau DÐÐT tại địa phương.
|
LÊ HỒNG Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Ninh Bình http://www.nhandan.com.vn/ |