Nâng cao khả năng hội nhập của nông dân

Kinhtedothi - “Đổi mới thể chế và chính sách để giúp nông dân chủ động khi tham gia TPP” là khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP” do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội.

TPP là Hiệp định thương mại lớn nhất trên toàn cầu với sự tham gia của 12 thành viên của 3 châu lục gồm: châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương. TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu, 25% thương mại thế giới. Đồng thời cũng là Hiệp định thương mại tự do với những cam kết sâu nhất với 95% - 100% dòng hàng hóa có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Nang cao kha nang hoi nhap cua nong dan - Anh 1

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Theo ông Jong Ha Bae - Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam, toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập đem lại nhiều cơ hội mới và những khó khăn thách thức. Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất so với 11 quốc gia tham gia TPP, tuy nhiên lợi thế cao hơn đồng nghĩa là rủi ro từ bên ngoài cũng cao hơn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất nước ngoài khi các hàng rào thuế quan và phi thuế qua được giảm bớt và loại bỏ. Chính vì vậy, giải pháp ở đây là cần có chiến lược cụ thể ở các cấp độ để giúp nông dân chủ động đổi mới khi hội nhập như: Phân cấp, trao quyền cho các cấp chính quyền địa phương để giảm thiểu chi phí gián tiếp và tối đa hóa hiệu quả sản xuất; Cải thiện quyền sử dụng đất và quản lý tài nguyên tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận; Đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao khả năng thích nghi khi tham gia TPP, giải quyết thách thức về đổi mới thể chế và chính sách cũng như khả năng cạnh tranh của DN khi hội nhập. 
Ông Jong Ha Bae nhấn mạnh, cần thúc đẩy đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc thiết lập các cơ chế ưu tiên để thu hút khu vực tư nhân tham gia, cùng với việc cải thiện việc phát triển nông thôn về nguồn vốn, xã hội và con người. Trong đó, tập trung vào việc tăng năng suất trong nông nghiệp và phi nông nghiệp tạo thêm cơ hội việc làm và nâng cao sinh kế người dân nông thôn.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nêu lên các giải pháp về nâng cao khả năng nhận thức của nông dân về hội nhập; Đa dạng tổ chức sản xuất, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, nông dân và sản phẩm nông sản khi tham gia TPP. Một số ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận lại vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nông nghiệp như: Hợp tác xã, Hiệp hội. Theo đó, xây dựng các tổ chức xã hội có đủ khả năng vừa bảo vệ quyền lợi của nông dân, vừa tham gia tư vấn quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao….
Ông Lều Vũ Điều - Phó chủ tịch Thường trực T.Ư HND Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân nắm được thời cơ, lợi thế của từng vùng sản xuất. Đồng thời, chủ động khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đặc biệt là trong xúc tiến thương mại. Hội cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chủ động vượt qua những khó khăn trong hội nhập; Chỉ đạo các cấp HND phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, sở ngành, các nhà khoa học, DN tăng cường liên kết 4 nhà, từng bước nâng cao khả năng hội nhập của nông dân.

Bình Minh
theo Kinhtedothi