Nâng cao năng suất tăng thu nhập cho người trồng ngô

Nâng cao năng suất tăng thu nhập cho người trồng ngô
Hiện nay năng suất ngô mới chỉ đạt xấp xỉ 5 tấn/ha sẽ không đảm bảo cho người nông dân có lãi.

Sáng 21/6, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc. Dự hội nghị có đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ngô.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với nhận định: Ngô là cây lương thực chủ lực, sau lúa ở nước ta. Phát triển sản xuất ngô, với mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô là một trong những giải pháp của ngành NN&PTNT để thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

 


Các đại biểu tham dự hội thảo.
Trong vòng 10 năm qua, diện tích, năng suất sản lượng sản ngô ở các địa phương tăng liên tục. Đến nay, cả nước có khoảng 1,2 triệu ha ngô, với năng suất 44,5 tạ/ha; mỗi năm sản lượng tăng trung bình khoảng 170.000 tấn, trong đó, diện tích tăng chủ yếu ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.

 

Tuy nhiên, thực tế mở rộng diện tích, tăng năng suất ngô nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân, ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. So với một số nước trong khu vực ASEAN và châu Á, năng suất ngô của chúng ta vẫn còn có khoảng cách khá xa.

Ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nêu ý kiến: Phải sản xuất như thế nào để có giống ngô đạt ít nhất từ 6 tấn/ha trở lên mới đảm bảo giá thành. Hiện nay năng suất chỉ đạt xấp xỉ 5 tấn sẽ không đảm bảo cho người nông dân có lãi. Trong thời gian tới, ngoài giải pháp thông tin tuyên truyền, quy hoạch và cơ giới hóa cần phải tăng cường thâm canh, đưa tiến bộ khoa học công nghệ và quy trình sản xuất vào canh tác ngô.

Để phát triển sản xuất ngô gắn với tái cơ cấu cây trồng ở các tỉnh phía Bắc, một số ý kiến đề xuất: Việc rà soát, quy hoạch vùng phát triển ngô phải đảm bảo có lợi thế và hiệu quả hơn các cây trồng cũ, trong đó hình thành các vùng sản xuất qui mô lớn và các chuỗi liên kết về giá trị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong việc ký kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hàng năm, ngành chăn nuôi phải nhập khẩu sản lượng lớn ngô để làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc gia cầm. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô, với giá trị 500 triệu USD. Do vậy, sản xuất ngô là cơ hội để khai thác thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đối với ngành trồng trọt, qua đó đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân.

“Bằng các biện pháp phải để cho người nông dân sản xuất trồng ngô có thu nhập cao hơn các cây trồng khác, khi đó nông dân sẽ tự nguyện tham gia. Việt Nam phải nỗ lực để nâng cao nhanh hơn năng suất ngô so với các quốc gia trên thế giới, khi đó cây ngô mới có chỗ đứng vững chắc. Muốn đạt được điều đó cần đặc biệt chú trọng những vùng có điều kiện lợi thế về sản xuất ngô, thông qua các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý sẽ đem lại cơ hội cho người  nông dân nâng cao thu nhập”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh./.

Minh Long
Nguồn vov.vn