Nâng cao thu nhập tại các xã nông thôn mới: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao
- Thứ năm - 28/05/2015 04:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
An Nhứt (huyện Long Điền) là một xã thuần nông, chuyên sản xuất lúa 3 vụ/năm, tuy nhiên thu nhập từ trồng lúa không cao. Đây cũng là địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2013-2015 của tỉnh. Hiện nay ngoài sản xuất lúa nước, mô hình trồng hoa lan cắt cành đang là một hướng phát triển mới được nhiều hộ trồng lan với quy mô vừa và nhỏ lựa chọn. Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, để thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã đã xây dựng dự án trồng hoa lan. Được Hội Nông dân tỉnh giải ngân 300 triệu đồng cho 12 hộ vay vốn, bước đầu qua đánh giá khảo sát các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, vườn lan phát triển tốt, đầu ra tương đối ổn định. Qua 2 năm thực hiện dự án, mỗi năm sau khi trừ chi phí, mỗi hộ đã thu lãi được 35 triệu đồng, đến nay đã hoàn vốn trước thời hạn. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã đang khuyến khích mở rộng mô hình để bà con nông dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đạt tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Còn tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), địa phương xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015 vừa đạt tiêu chí về nâng cao thu nhập, với mức bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Để có được kết quả này, theo ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thời gian qua xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp - dịch vụ. Ngoài ra, xã tập trung khuyến khích nông dân cùng liên kết đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất. Trong 5 năm qua, xã đã chuyển đổi 65,5ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao như mãng cầu ta, nhãn xuồng cơm vàng, xoài... Ông Nguyễn Tiến Hoàng, nhà ở ấp 2, xã Tóc Tiên cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích 1,7ha đất chủ yếu là vườn tạp nên năng suất không cao, dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra. “Từ khi chuyển sang trồng thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP, với năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn gấp 2 lần so với trồng các loại cây như điều, chuối...”, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho hay.
Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua ngành nông nghiệp cũng định hướng cho nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Chuyển đổi lúa một vụ năng suất thấp sang trồng rau màu; tiếp tục xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tại các xã NTM, mức thu nhập bình quân đầu người đều cao hơn trước. Cụ thể, thu nhập trung bình của 6 xã điểm đã được công nhận xã NTM giai đoạn đầu là 34,31 triệu đồng, tăng 19,6 triệu so với năm 2010; thu nhập trung bình của 21 xã giai đoạn 2013-2015 là 29,1 triệu đồng, tăng 13,9 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM cuối năm 2012.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, thành quả trên có được là nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Bởi BR-VT nằm trong danh sách 12 tỉnh, thành trong cả nước tự cân đối ngân sách cho xây dựng NTM, đó là một áp lực cho tỉnh trong việc huy động nguồn lực thực hiện. Hiện, ngành nông nghiệp đã đặt ra kế hoạch năm 2015 sẽ hoàn thành xây dựng NTM cho các xã giai đoạn 2013-2015. Giai đoạn 2016-2020, BR-VT triển khai xây dựng 16 xã còn lại. Đến năm 2020, tỉnh cơ bản hoàn thành xây dựng NTM cho 43 xã trên địa bàn với kết cấu hạ tầng hiện đại, thu nhập bình quân cho khu vực nông thôn đạt từ 58 triệu đồng/người/năm trở lên.
Theo: baobariavungtau.com.vn