Nâng cao vai trò hợp tác xã

Nâng cao vai trò hợp tác xã
Xác định nâng cao vai trò của HTX là một trong những nhiệm vụ cần thiết để xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế để phát triển HTX trên địa bàn.

Qua một thời gian thực hiện, những chủ trương này đã đem lại thành công bước đầu.

11-49-18_1
Các HTX ở Quảng Nam góp phần không nhỏ trong xây dựng NTM

Toàn tỉnh Quảng Nam có 243 HXT Nông nghiệp (15 HTX ngừng hoạt động) hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ: Thủy lợi, liên kết sản xuất giống, cơ giới hóa làm đất, thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp... Hiện nay, các HTX tiếp tục thực hiện công tác tinh gọn bộ máy, đổi mới phương thức quản lý, điều hành; đổi mới phương án sản xuất – kinh doanh... đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX Nông nghiệp theo Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho 4 HTX Nông nghiệp với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Hỗ trợ 555 triệu đồng (111 triệu đồng/1HTX/1 địa phương) để thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX Nông nghiệp.

Qua đó, hoạt động của các HTX Nông nghiệp nhìn chung đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành viên và nhân dân trên địa bàn. Nhiều HTX đã tham gia thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, tích tụ đất đai, các nội dung khác trong xây dựng NTM góp phần thực hiện tốt Chương trình NTM ở nhiều địa phương.

Đối với vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, toàn tỉnh có khoảng 54 HTX Nông nghiệp tổ chức dịch vụ liên kết sản xuất giống lúa, đậu xanh với các Cty giống theo các hình thức: Doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX, đầu tư giống, phối hợp với HTX tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống, tổ chức thu mua sau thu hoạch và thanh toán tiền cho nông dân, HTX theo hợp đồng đã ký kết.

Mặc dù vậy, việc liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chỉ ký kết hợp đồng từng vụ nên chưa có doanh nghiệp nào cùng với địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cánh đồng lớn. Ngoài ra, các cơ chế khuyến khích liên kết, hợp tác trong thời gian qua chủ yếu là hỗ trợ dưới dạng khuyến nông nên vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ.

Với mục đích giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ/UBND ngày 4/12/2014 để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Qua 4 năm triển khai cơ chế đã có 64 phương án của tổ chức đại diện nông dân được Sở NN-PTNT thẩm định, trong đó có 35 phương án của HTX Nông nghiệp được UBND cấp huyện phê duyệt; không có phương án của các doanh nghiệp. Qua đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí 4.279 tỷ đồng để các địa phương triển khai thực hiện cơ chế này.

Dù những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX phát triển nhưng các HTX ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn nhất định như đa số các HTX đều có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế ; tích lũy tái đầu tư mở rộng kinh doanh còn thấp; nhiều HTX Nông nghiệp chưa mạnh dạn mở rộng ngành nghề, dịch vụ; năng lực của đội ngủ quản lý chủ chốt còn hạn chế, thiếu cán bộ nguồn.

Điểm nữa là một số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 – 2018 song mức bền vững tiêu chí 13 chưa cao do các HTX mới thành lập, chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động; mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực đảm bảo bền vững mới chỉ tập trung ở HTX có liên kết sản xuất giống lúa, đậu, liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác còn ít.

Trước thực tế đó, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đề ra giải pháp là tiếp tục tập trung củng cố, đổi mới, phát triển HTX Nông nghiệp; xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX đã ngưng hoạt động/không đủ điều kiện tổ chức; tích cực vận động thành lập mới các HTX; tiếp tục củng cố, nâng chất việc thực hiện tiêu chí 13 ở các xã đã đạt chuẩn.

Đối với vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, Quảng Nam đề ra giải pháp mỗi cấp huyện chủ động xây dựng từ 2-3 mô hình HTX Nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thực sự là những điển hình, điểm sáng của loại hình kinh tế hợp tác kiểu mới. Đồng thời tiếp tục tham mưu, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX Nông nghiệp.

Theo: Lê Khánh/nongnghiep.vn