Nâng tầm nhận thức của nông dân về nông thôn mới

Nâng tầm nhận thức của nông dân về nông thôn mới
Về những kết quả đã đạt được và các vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ trong công tác xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố.

 

Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội:

Hình ảnh Nâng tầm nhận thức của nông dân về nông thôn mới số 1

Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội

Thưa ông, sau 2 năm triển khai thí điểm NTM, tại các xã điểm của Hà Nội đã có những thay đổi ra sao?

- Hai năm qua, Hà Nội xây dựng thí điểm NTM ở xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Tại đây, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc như khu vực sản xuất, các công trình phúc lợi, hệ thống đường giao thông đã được quy hoạch lại.

Đặc biệt, mô hình thí điểm tạo ra nhận thức mới cho người dân về phát triển sản xuất. Đã có những mô hình sản xuất mới như nông dân chuyển từ trồng rau sang trồng hoa, đặc biệt là mô hình nông dân góp đất vào doanh nghiệp để cùng sản xuất hoa đem lại thu nhập cao.

Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện xây dựng NTM tại 4 huyện là Thanh Trì, Đan Phượng, Sóc Sơn và Chương Mỹ. Ở những địa phương này bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Ở xã Song Phượng (Đan Phượng), điều rất mừng là khi mở rộng đường giao thông, nhiều hộ dân tự phá bỏ tường rào để mở rộng đường nhằm phục vụ cho phát triển toàn thôn, toàn xã.

Bước sang năm 2012 và những năm tiếp theo, Hà Nội có kế hoạch xây dựng NTM như thế nào?

- TP.Hà Nội đã phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Mỗi một huyện đều phát động phong trào và huyện nào cũng làm thí điểm từ 1-2 xã NTM. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, từ nay đến năm 2015, toàn thành phố sẽ có 40% số xã (tương đương 160/401 xã) hoàn thiện mô hình xã NTM và giai đoạn 2020- 2030, toàn bộ các xã thuộc Hà Nội về cơ bản hoàn thành việc xây dựng NTM.

Về trách nhiệm của Hội Nông dân, chúng tôi tập trung tuyên truyền 19 tiêu chí xây dựng NTM và vận động người dân để họ hiểu xây dựng NTM là làm cho chính mình. Thứ hai, thành phố sẽ tập trung đầu tư vào các công trình phúc lợi, quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư, điện, đường, trường, trạm để tạo ra mô hình phát triển đồng bộ. Từ quy hoạch này sẽ xem xét quyết định những công trình gì sẽ xây dựng trước những công trình gì sẽ đầu tư kế tiếp; từ đó sẽ tạo ra một phong trào rộng lớn trên toàn thành phố.

 

 

 
Hà Nội là địa phương có nhiều nguồn lực để hiện thực hoá mô hình NTM. Tuy nhiên, điều kiện của các xã rất khác nhau. Theo ông, việc phân bổ nguồn lực được triển khai thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất?

 

- Thành phố sẽ không phân bổ đồng đều nguồn lực cho các xã. Tổng kinh phí thực hiện NTM đến năm 2015 theo kế hoạch là 32.000 tỷ đồng không phải dành cho tất cả 401 xã của Hà Nội, mà chỉ tập trung đầu tư cho những xã đang làm điểm; vì việc đầu tư dàn trải sẽ không mang lại hiệu quả. Thứ hai, việc đầu tư ngân sách còn tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của địa phương vào khả năng đóng góp của người dân trong xã đó.

Hình ảnh Nâng tầm nhận thức của nông dân về nông thôn mới số 2

Nông dân xã điểm NTM Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đang có thu nhập cao nhờ trồng hoa.

Hiện nay, nhiều địa phương cho rằng, một số điểm trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM không thích hợp. Hà Nội có gặp khó khăn tương tự như vậy không, thưa ông?

- Một trong số các tiêu chí được đưa ra là sau 2 năm xây dựng NTM, thu nhập của người dân phải tăng gấp đôi. Đây là một tiêu chí rất khó thực hiện không chỉ đối với Hà Nội mà còn của nhiều địa phương khác. Dù nông dân đã được tuyên truyền vận động nhưng việc thay đổi thu nhập không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu lại tiêu chí này.

Hà Nội đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh. Trong mối tương quan với xu hướng đó, Hà Nội có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc xây dựng NTM?

- Chúng tôi thực hiện NTM dựa trên quy hoạch của thủ đô mở rộng đã được phê duyệt. Những vùng được quy hoạch phát triển đô thị sẽ tập trung phát triển đô thị còn khu vực nào quy hoạch là nông nghiệp, làng nghề thì tập trung phát triển theo mô hình NTM. Tại các huyện gần trung tâm như Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Từ Liêm... phải xác định xã nào thực hiện theo mô hình NTM, xã nào phát triển theo hướng đô thị hoá để thực hiện một cách hợp lý.

Trong việc xây dựng NTM, người nông dân đã được xác định là chủ thể. Như vậy, nông dân cần làm gì để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình?

- Hội Nông dân đã triển khai công tác tuyên truyền vận động xây dựng NTM và từng bước đã tạo nên nhận thức mới cho nông dân xây dựng NTM là xây dựng cho chính mình. Từ đó, mỗi nông dân cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình; phải xác định được, xây dựng NTM là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Sau khi nhận thức được như vậy, các hoạt động của nông dân để thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ đó là cần có ý thức tự giác đầu tư và vận động mọi thành phần khác tham gia xây dựng NTM.

Nguồn : Dân Việt