Nền nông nghiệp chủ động

Với đặc thù của một đất nước đa số là nông dân, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, xâm nhập mặn, hạn hán đang diễn ra như hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp đang đứng trước những thử thách. Vậy, làm sao giúp người nông dân, giúp nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, để người nông dân thực sự làm chủ, yên tâm sống khỏe, làm giàu trên đồng ruộng của mình?
Cánh đồng Hải Lăng (Quảng Trị) mùa gặt.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh báo động “khó khăn nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm (tăng trưởng âm) 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn”. Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Quý I này, nông nghiệp tăng trưởng âm chủ yếu do trồng trọt (âm tới 6%). Tình hình khô hạn đang rất cấp bách , khi nông dân các tỉnh Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên bị thiệt hại nặng. Hơn 23.000 ha đất nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận không thể sản xuất canh tác nông nghiệp, 210 ngàn ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại, cà phê, hồ tiêu của nông dân ở Tây Nguyên đang khô héo...dự kiến có khoảng hơn 150 ngàn ha cây trồng ở Tây Nguyên bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng do thiếu nước.

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, sự cố gắng của người nông dân, nông nghiệp nước ta đã có những bước tiến lớn. Từ chỗ đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực, nước ta đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên còn đó vẫn ngổn ngang những bất cập, hạn chế. Với hơn 47% lao động trong nông nghiệp cũng chỉ đóng góp khoảng 19% tổng sản phẩm nội địa. Sản xuất manh mún, nông dân thiếu vốn, được mùa rớt giá, đời sống bấp bênh. Người nông dân Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thiên nhiên như những câu ca “trông trời, trông đất...”. Những vấn đề như “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”... vẫn còn phải bàn nhiều. Chỉ nói riêng chuyện “nước”, vấn đề đầu tiên với người nông dân, đang và sẽ còn là vấn đề nan giải. Sự biến đổi khí hậu, hạn hán sẽ còn diễn ra, thậm chí gay gắt hơn. Nước ngầm cạn kiệt từ việc ít mưa, hệ thống rừng trữ nước không còn, sự khai thác bừa bãi, sử dụng hoang phí nước ngầm, cũng như sử dụng nước bề mặt hoang phí, gây ô nhiễm từ đủ mọi nguồn. Và rồi nguồn nước cần thiết, nguồn nước đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa biết đến bao giờ mới đủ, đảm bảo yêu cầu? Đến bao giờ chúng ta mới chủ động, có được một hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp? Việc lắp đặt các điểm cung cấp nước sạch, nạo vét các hồ chứa nước, kênh dẫn nước... trong mùa hạn hán chỉ mới là những hình thức cấp cứu, chống khát, chống hạn nhất thời mà thôi. Cũng như việc kêu gọi chuyển đổi cơ cấu cây trồng không thể chung chung mà cần đi vào chi tiết từ kế hoạch cho đến triển khai, từ toàn quốc đến cụ thể mỗi địa phương.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 2 BCHTƯ khóa XII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. BCHTƯ cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công cũng rất quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có việc quan tâm bố trí vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo... Sự quan tâm, phương hướng của Đảng tiếp tục là cơ hội cho người nông dân, cho ngành nông nghiệp, cho nông thôn. Tuy nhiên, để nông nghiệp, nông thôn phát triển không chỉ là những chủ trương với dự án lớn về hạ tầng tổng thể trên toàn quốc, mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp nông nghiệp ít ỏi hiện chỉ chiếm 1,13% tổng số doanh nghiệp trong cả nước là một vấn đề cần phải bàn. Mặc dù đã có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng vẫn chưa đủ hoặc còn nhiều bất cập. Việc miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất cũng chỉ là nhất thời. Như Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chính sách đất đai hiện vẫn cản trở cho doanh nghiệp khi nhiều doanh nghiệp cần có diện tích đất đai lớn để tổ chức sản xuất.

Người nông dân ta xưa nay cần cù lao động. Tuy nhiên có thể nói có thời gian dài, họ mới chỉ chuyên tâm “cày sâu, cuốc bẫm” trên mảnh ruộng của mình. Việc trồng trọt cũng chỉ dựa theo kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau mà thiếu sự hướng dẫn, tổ chức của chính quyền hay các nhà khoa học. Việc kêu gọi liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng mới chỉ là trên lý thuyết mà thôi. Mạnh ai nấy làm đã dẫn đến tình trạng khi ế thừa, lúc khan hiếm. Ngay việc dùng chất cấm trong chăn nuôi, với người nông dân cũng chỉ là một việc làm “hồn nhiên”. Sự liên kết sản xuất, sự hướng dẫn, quản lý của các cấp quản lý, chính quyền cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp là rất cần thiết và phải rốt ráo. Ví như xây dựng một nền nông nghiệp sạch: sản phẩm cây trồng, sản phẩm vật nuôi là ước mơ của cả mọi người trong xã hội, ai cũng muốn, nhưng phải bắt đầu từ đâu? Phải chăng chính từ người nông dân. Nhưng ai sẽ hỗ trợ, hướng dẫn, cam kết cho họ có đủ niềm tin và bắt tay vào làm?

Trong xu hướng phát triển của thế giới, sản xuất nông nghiệp vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng. An ninh lương thực vẫn luôn là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia. Vấn đề quan tâm đầu tư để nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả là hết sức đúng đắn. Và rồi với diễn tiến của biến đổi khí hậu, kinh nghiệm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng xưa nay thì việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi nhất là những vùng bị mặn, thường xuyên hạn hán là việc phải làm khẩn trương. Không chỉ là vấn đề của quốc gia mà nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng, cuộc sống cụ thể của mỗi gia đình nông dân hiện nay.

Kiên Long
Đại Đoàn Kết