Nền nông nghiệp vững mạnh - yếu tố đảm bảo quá trình phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiều 26/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành liên quan tổ chức 3 hội thảo chuyên đề.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Các hội thảo chuyên đề bao gồm các chủ đề: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng; thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Phát biểu khai mạc Hội thảo với chủ đề: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, năm 2017, nông nghiệp đóng góp 15,3% trong GDP của cả nước, giảm 5,1% so với năm 2008.

Cùng kỳ, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm 12,4% còn 40,2%; tỷ trọng dân cư nông thôn giảm 6% còn 65%. Đến năm 2030, dự báo các xu hướng giảm này sẽ còn nhanh hơn, ước tính đạt các con số tương ứng là GDP nông nghiệp 10%, lao động nông nghiệp 25% và dân cư nông thôn 55%.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nông nghiệp chỉ còn đóng góp dưới 1% GDP. Xu hướng phát triển này là một tất yếu lịch sử mà tất cả các quốc gia đều trải qua trên con đường đi đến thịnh vượng.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn trong thời kỳ đổi mới, với mục tiêu chung phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.

Định hướng cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Nhằm nâng cao vị thế, vai trò và đời sống của nông dân, gắn với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, các đại biểu cho rằng, cần tạo điều kiện cho nông dân tự chuyển đổi ngành nghề qua các chương trình, hình thức đào tạo nghề cho nông dân ở nông thôn như: Mở các lớp sơ cấp nghề, trung cấp nghề, chú trọng các nghề mới có hiệu quả kinh tế cao, các nghề phù hợp với quá trình tuyển dụng của các công ty khi khu công nghiệp ở các vùng nông thôn dần được hình thành và đi vào hoạt động.

Trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn, giải quyết các vấn để nông dân trở nên cần thiết và cấp bách với mục tiêu đưa nông thôn sát lại gần hơn với thành thị, đô thị hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo hướng quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

Nhân dịp này, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về định hướng phát triển các chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi quy mô công nghiệp lớn tại Việt Nam; bài học kinh nghiệm của mô hình liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề:“Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh, khoa học và công nghệ đã, đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua. Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, khoa học và công nghệ đã không ngừng vươn lên đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về thực tiễn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Tập đoàn Vinamilk cho biết, phát triển nông nghiệp bền vững cũng là mục tiêu Vinamilk hướng đến. Các trang trại của Vinamilk đã áp dụng nhiều công nghệ cao trong phát triển bền vững: Năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên (hệ thống điều khiển làm mát tự động, đèn Led, hệ thống tái sử dụng nước trong chăn nuôi)… từ đó sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các giải pháp công nghệ hiện đại, công nghệ chế biến cho nông nghiệp; chia sẻ thực tiễn ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hiện đại hóa nông nghiệp…

Đầu tư phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp

Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Đóng góp vào kết quả đó có vai trò của đầu tư và phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao, sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm trong giai đoạn 2008 - 2017 và dự kiến đạt 3,5 - 3,6% trong năm 2018.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông lâm sản được quan tâm phát triển, gia tăng cơ giới hóa theo chiều sâu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển hợp tác xã, liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị để hỗ trợ nông dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được coi là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại tiếp tục được hỗ trợ; tổ chức theo quy mô lớn hơn. Đáng chú ý, cơ chế chính sách và khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc đầu tư phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể vốn đầu tư toàn xã hội cho nông, lâm, thủy sản còn thấp và có xu hướng giảm; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X là 5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước.

Chính sách về huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh. Đặc biệt, cung cầu hàng hóa, nông sản còn một số bất cập; năng lực cạnh tranh nhiều sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung vào các chủ đề để thúc đẩy đầu tư cho hàng hóa nông nghiệp Việt Nam như: Cơ hội cho hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do - FTA thế hệ mới, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đầu tư nông nghiệp, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; cần phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, hệ thống phân phối; kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu, nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa và quốc tế; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các hợp tác xã trong xây dựng vùng nguyên liệu an toàn...

 

Hồng Điệp - Phan Phương (TTXVN)