Nền tảng khởi nghiệp chưa vững chắc
- Thứ sáu - 23/12/2016 04:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận thức về cơ hội khởi nghiệp của người Việt Nam đã được nâng cao trong năm vừa qua và được “tiếp lửa” bởi đà phục hồi của nền kinh tế cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên những nền tảng mà khởi nghiệp gây dựng cho nền kinh tế còn thiếu vững chắc. Đây là những nét chính mà Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp (GEM) Việt Nam 2015/16 đã phác thảo về phong trào khởi nghiệp còn tương đối non trẻ ở Việt Nam.
Cơ hội nhiều hơn, lo âu giảm xuống
Theo Báo cáo GEM 2015/16 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, tỷ lệ người trưởng thành nhận thấy có cơ hội để bắt đầu một việc kinh doanh mới ở Việt Nam đã tăng vọt từ mức 39,4% năm 2014, lên 56,8% năm 2015, cao hơn mức bình quân của các nước đang ở trong giai đoạn phát triển tương tự như Việt Nam. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức trung bình ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực là 53,8%. Kết quả này giúp Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng số 60 nền kinh tế về nhận thức cơ hội khởi nghiệp năm 2015.
Khởi nghiệp gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là tiền đề vững chắc cho nền kinh tế |
Không những nhìn ra nhiều hơn các cơ hội kinh doanh, xu hướng lo sợ thất bại trong năm vừa qua cũng giảm xuống. Cụ thể là tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ bị thất bại trong kinh doanh giảm từ 56,7% năm 2013 xuống 50,1% năm 2014 và còn 45,6% năm 2015. Đây là điều đáng mừng. Bởi Báo cáo GEM chỉ tiếp ra rằng, tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm qua đã tăng so với năm 2014, từ 18,2% lên 22,3%.
Tuy nhiên, chỉ số động cơ khởi nghiệp của Việt Nam chỉ xếp thứ 42/60. Cũng giống như ở các quốc gia khác, người Việt Nam khởi sự kinh doanh chủ yếu để tận dụng cơ hội (tỷ lệ 62,2%), hơn là vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn (tỷ lệ 37,4%). Tuy nhiên, người Việt Nam tận dụng cơ hội chủ yếu là để tăng thu nhập (46,9%), chứ không phải để trở nên độc lập và hoàn thiện hơn (11%), trong khi xu hướng này ở các nước phát triển là ngược lại.
Chỉ số động cơ khởi nghiệp thấp đã phần nào thể hiện năng lực kinh doanh của người Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Co-working Space, DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin hỗ trợ cho DN bắt đầu khởi nghiệp nêu ra thực tế, DN khởi nghiệp thường có nhiều chi phí không tạo ra giá trị do còn hạn chế trong điều hành, quản trị DN.
Cụ thể là chi phí cho văn phòng, cho những gì không liên quan đến con người quá cao, lên tới 40 - 50% tổng chi phí của DN, làm giảm tính cạnh tranh. Đa số DN khởi nghiệp có nguồn tài chính không dồi dào, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn. Do đó, những kiến thức về thủ tục hành chính, pháp lý… đang khiến họ gặp nhiều lúng túng.
Thiếu công nghệ, khởi nghiệp đi ngược xu thế
Phong trào khởi nghiệp đã thổi một luồng gió mới khi khích lệ hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong năm vừa qua. Tuy nhiên, Báo cáo GEM cũng chỉ ra thực tế là nền tảng của quá trình này ở Việt Nam đang đuối so với xu hướng chung của thế giới. Bởi khởi nghiệp gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là tiền đề vững chắc cho nền kinh tế phát triển, song ở Việt Nam tỷ lệ DN khởi nghiệp có những yếu tố này còn rất nhỏ.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, xu hướng khởi nghiệp những năm tới nhấn mạnh vào ứng dụng đổi mới, sáng tạo trong công nghệ, giao thoa giữa các ngành.Tức là không bó hẹp trong một ngành đang quen hoạt động, mà DN có thể tìm thấy rất nhiều cơ hội khởi nghiệp từ những vấn đề của ngành khác. “Chẳng hạn một người làm ở lĩnh vực IT, anh ta nhận thấy ngành in có vấn đề thì có thể lấy ứng dụng của IT để giải quyết vấn đề cho ngành in”, bà Hằng nêu ví dụ.
Nếu đối chiếu với xu hướng này, thì DN khởi nghiệp của Việt Nam, thuộc nhóm các nước phát triển ở giai đoạn I, đang kém xa so với thế giới. Bởi theo Báo cáo GEM, các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam đang chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (74,5%). Tỷ lệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ DN thấp hơn nhiều so với các nước phát triển ở giai đoạn II, tương ứng là 14,4% và 3,3% so với 24% và 11,5%.
Cần lưu ý rằng hơn 1/2 số DN ở các nước thuộc nhóm I và II khởi sự kinh doanh ở lĩnh vực bán buôn/bán lẻ, trong khi gần một nửa các DN ở các nước thuộc nhóm III, khởi sự kinh doanh trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính, y tế giáo dục và các ngành dịch vụ khác chiếm ưu thế.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn khởi nghiệp phân tích, nền kinh tế cần có nền tảng công nghệ thì mới hướng người khởi nghiệp vào lĩnh vực sản xuất. Ngược lại, nền tảng của khoa học cơ bản tại Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như cơ khí, điện tử… còn yếu, nên khởi nghiệp vẫn xuất phát từ những lĩnh vực như nhà hàng, thời trang… mà chưa gắn với công nghệ tiên tiến. Điều này là ngược lại với xu hướng đi sâu vào công nghệ của thế giới.
Vì thế, nên các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới. Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 chỉ đạt 16,5%, xếp thứ 50/60.
Kết quả này cho thấy rõ, “để một nền kinh tế phát triển chuyển sang giai đoạn cao hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ DN, giảm tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác và phục vụ người tiêu dùng”, báo cáo GEM khuyến cáo.
Ngọc Khanh
http://thoibaonganhang.vn/