Nên xây dựng và nhân rộng các mô hình mẫu trong tái cơ cấu nông nghiệp

Nên xây dựng và nhân rộng các mô hình mẫu trong tái cơ cấu nông nghiệp
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sơ kết 1 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời phát động phong trào thi đua "Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2014 - 2015 và đến năm 2020.

Gần 1 năm triển khai, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã mang lại kết quả tích cực. Đề án đã được cụ thể hóa nội dung, giải pháp tái cơ cấu tới các ngành, lĩnh vực và nhiều địa phương; xác định lộ trình thực hiện, đồng thời nhiều hoạt động thực tiễn đã được triển khai thực hiện có kết quả cụ thể. Đối với lĩnh vực trồng trọt. ngành đã tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng địa phương và nhu cầu thị trường. Đến nay vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi khoảng 87.310 ha gieo trồng; vùng duyên hải Nam Trung bộ đã chuyển đổi 6.884 ha; các tỉnh phía Bắc chuyển đổi hàng chục nghìn héc ta đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả, trồng cỏ, mía, cây thuốc… có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, đồng thời, thực hiện tái canh cà phê, phát triển cây điều, lúa gạo… Cùng với đó, ngành đã điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2014-2020. Ngoài ra, Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án còn chưa được đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Kết quả thể hiện trên thực tế chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành và thu nhập của nông dân còn thấp. Một số ý kiến đề xuất, cần tiếp tục cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu theo các lĩnh vực, các chuyên ngành, vùng miền; đổi mới cơ chế chính sách, nhất là việc áp dụng khoa học công nghệ phải được triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.

Active Image

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện đề án

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quán triệt tới các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp, người nông dân về đề án; đưa ra những mô hình để so sánh, đồng thời thúc đẩy các mô hình và khả năng sáng tạo của toàn bộ hệ thống từ doanh nghiệp đến người nông dân.

Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động phong trào thi đua Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2014-  2015 và đến 2020, tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong toàn ngành; tham mưu và trình các cấp, ngành Đề án tái cơ cấu triển khai hiệu quả; tham mưu tốt ban hành các chính sách hỗ trợ và tạo động lực cho quá trình thực hiện tái cơ cấu; tiếp tục đăng ký giao ước thi đua, phấn đấu đến cuối 2015, mỗi cơ quan, đơn vị hỗ trợ hoặc phối hợp hỗ trợ 1-2 xã theo từng lĩnh vực, mô hình cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thi đua để rút kinh nghiệm và kịp thời khen thưởng tổ chức, cá nhân, mô hình tiêu biểu trong triển khai Đề án…

Nguyệt Hà
Nguồn thiduakhenthuongvn.org.vn