Nét đẹp văn hóa nông thôn mới
- Chủ nhật - 05/02/2017 09:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hoạt động văn hóa văn nghệ của người dân An Đồng (Quỳnh Phụ). |
Với những giải pháp cụ thể, thời gian qua, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng NTM. Cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa như nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi thì nếp sống văn hóa nông thôn ngày càng đổi mới hiện đại, đời sống tinh thần nhân dân chuyển biến rõ rệt. Ở các địa phương, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển đa dạng, sôi nổi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được giữ gìn và phát huy. Xã An Đồng (Quỳnh Phụ) vốn là vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Hệ thống các thiết chế văn hoá như đình, đền, chùa, lễ hội truyền thống vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Xã có 5 lễ hội truyền thống, hàng năm được các thôn, làng tổ chức bảo đảm trang trọng phần lễ, vui tươi phần hội, giữ gìn được phong tục, tập quán của cha ông để lại cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Những năm gần đây, thực hiện CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập thì tiêu chí văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa cũng được địa phương coi trọng thực hiện. Nhân dân đóng góp kinh phí, xã hội hóa các nguồn lực để sửa sang, nâng cấp các nhà văn hóa thôn, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chung của thôn, làng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển toàn diện. Xã thành lập được các câu lạc bộ (CLB) thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi; CLB bóng đá, CLB chèo của hội nông dân, phụ nữ; CLB võ thuật của các cháu thiếu nhi… thu hút đông đảo mọi người tham gia. Anh Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: Từ khi thành lập CLB bóng đá, các thành viên không chỉ có điều kiện rèn luyện sức khỏe mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu tình nguyện, gây quỹ từ thiện… Mỗi khi có dịp giao lưu với các đội bóng trong và ngoài tỉnh, CLB đều đặt hòm từ thiện, kêu gọi, vận động mọi người tham gia ủng hộ để gây quỹ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. Từ năm 2012 đến nay, CLB đã thăm hỏi, tặng quà nhiều hộ gia đình chính sách, người cao tuổi, hộ nghèo, các cháu thiếu nhi trên địa bàn xã nhân dịp lễ, tết, tháng hành động vì người cao tuổi, ngày vì người nghèo… Đặc biệt phong trào văn nghệ, thể thao của xã còn được tô đậm thêm bởi các CLB bóng đá của chị em phụ nữ.
Còn đối với thôn Phú Lễ Thượng, xã Tự Tân (Vũ Thư), CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã thấm sâu vào nhận thức và trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi người dân nơi đây. Kết quả của CVĐ thể hiện rõ nét qua việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ông Phạm Quang Tuyến, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết: Gần 20 năm nay, trong các đám cưới, đám tang của thôn không còn tình trạng mời thuốc lá, ăn uống linh đình. Việc hiếu, hỷ, tân gia, lễ hội, mừng thọ được nhân dân tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, bảo đảm không khí vui tươi, lành mạnh, bài trừ được những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nếp sống văn hóa mới còn thể hiện qua việc các tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp các loại thuế quỹ, thực hiện trách nhiệm của công dân đối với địa phương. Các gia đình thường xuyên nhắc nhở nhau quan tâm, dạy dỗ con cháu, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nhờ đó mà tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, trong thôn không có người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, ở nhà văn hóa thôn Phú Lễ Thượng vẫn còn giữ được chiếc kẻng sắt đã có từ rất lâu. Chiếc kẻng không chỉ là vật dụng nhắc nhở các hộ gia đình nêu cao tinh thần cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự bảo vệ an ninh trật tự ở khu dân cư mà mỗi khi thôn có việc, đồng chí trưởng thôn chỉ cần đánh kẻng thông báo là cán bộ, nhân dân đều tự giác đến họp hành nghiêm túc, đúng giờ.
Để CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" ngày càng phát triển sâu rộng, làm thay đổi bộ mặt văn hóa nông thôn, các địa phương cũng đã sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước thôn, làng; ban hành các quy chế hoạt động nhà văn hóa xã, thôn, điểm vui chơi; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM… Thông qua thực hiện các nội dung của CVĐ đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong các phong trào phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường ở khu dân cư… Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.995/2.074 khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước; 100% khu dân cư xây dựng được gần 3.000 mô hình tự quản góp phần phòng ngừa, hạn chế phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, từng bước xây dựng con người văn hóa, môi trường và nếp sống văn hóa. Qua đó, phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh được đẩy mạnh và nâng cao về chất lượng, thu hút 100% thôn, làng, hộ gia đình đăng ký tham gia. Năm 2016, số hộ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 82,3%; số thôn, làng văn hóa đạt 61,9%; xã đạt chuẩn văn hóa NTM đạt 45,3%.
Nét đẹp văn hóa NTM đang hiện hữu ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, văn hóa tinh thần phát triển lành mạnh, phong phú chính là tiền đề quan trọng xây dựng NTM ở Thái Bình hiệu quả, bền vững.
Ông Lưu Huyền Đức, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư Xây dựng đời sống văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các tầng lớp nhân dân huyện Vũ Thư chú trọng thực hiện. Năm 2016, huyện Vũ Thư có 204/214 thôn, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu đơn vị văn hóa, sau khi thẩm định có 174 thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa (tăng 2 thôn, làng so với năm 2015), trong đó có 119 thôn, làng giữ vững danh hiệu văn hóa từ 3 - 13 năm liên tục.
Chị Đoàn Thị Vững, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Đồng (Quỳnh Phụ) Phụ nữ nông thôn thời kỳ đổi mới không chỉ lao động sản xuất, chăm sóc gia đình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, là nòng cốt trong xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. 4/6 chi hội phụ nữ của xã An Đồng thành lập được câu lạc bộ bóng đá, thường xuyên tham gia luyện tập và tổ chức đá giao hữu để gây quỹ từ thiện; câu lạc bộ văn nghệ cũng thu hút đông đảo chị em tham gia với nhiều tiết mục chất lượng, đặc sắc, phục vụ các dịp lễ, tết của địa phương khiến cho đời sống văn hóa nông thôn mới ngày càng phong phú, đa dạng. |
Thanh Huyền/baothaibinh.com.vn