Nét mới của các điểm bưu điện văn hóa xã ở Hòa Bình: Hướng đến đa dịch vụ

Nét mới của các điểm bưu điện văn hóa xã ở Hòa Bình: Hướng đến đa dịch vụ
Việc triển khai các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) đa dịch vụ là chủ trương lớn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhằm đáp ứng tốt nhất các dịch vụ công ích, nhiệm vụ chính trị. Nắm bắt được tình hình đó, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã và đang mở rộng kinh doanh, đưa các dịch vụ của bưu điện gần hơn với mọi người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Bưu điện huyện Lương Sơn phân loại báo để giao đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã.

BĐ-VHX đa dịch vụ

Gần 20 năm trước đây, 190 điểm BĐ-VHX ở Hòa Bình là điểm sáng của ngành bưu điện, giúp người dân vùng nông thôn thụ hưởng những thành quả của ngành  trong sự nghiệp đổi mới.

Đến nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và sự chuyển mình của ngành bưu chính, điểm BĐ-VHX cần phải có hướng đi mới để thực hiện nhiệm vụ và trọng trách mới. Giờ đây, điểm BĐ-VHX không chỉ là điểm sinh hoạt cộng đồng, đọc sách báo miễn phí, duy trì các dịch vụ bưu chính truyền thống mà còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ như: bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, chi trả lương hưu, trợ cấp…

Để góp phần tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chủ trương của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, từ năm 2014, Bưu điện Hòa Bình đã triển khai dịch vụ đổi mới hoạt động của điểm BĐ-VHX với nhiều nội dung: Sửa chữa, nâng cấp điểm phục vụ, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu tại tất cả các điểm BĐ-VHX; cải thiện điều kiện làm việc và các cơ chế chính sách; đào tạo lại đội ngũ nhân viên…

Đáng chú ý, mô hình điểm BĐ-VHX đa dịch vụ được triển khai tại Hòa Bình với 56/190 điểm, đến nay các điểm BĐ-VHX cơ bản đều đạt doanh số khá so với trước đây. Việc triển khai điểm BĐ-VHX đa dịch vụ đã tạo bước đột phá trong đổi mới hoạt động, làm thay đổi nhận thức về việc cung cấp sản phẩm dịch vụ bưu điện tại địa phương, đồng thời tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Hiện, bình quân thu nhập của nhân viên tại điểm BĐ-VHX đạt 2,2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc mỗi điểm BĐ-VHX đa dịch vụ được đầu tư các trang thiết bị phục vụ chuyên môn như máy tính, máy in, máy scan, bàn quầy, biển hiệu, tủ đựng tài liệu, két sắt…, một trong những yếu tố quan trọng quyết định tới hiệu quả của mỗi điểm BĐ-VHX chính là nguồn nhân lực. Nhiều nhân viên đã quen với phương thức phục vụ trước đây nên khi mới triển khai chương trình, một số người còn lúng túng, bị động. Do đó, để thực hiện có hiệu quả, cần phải chọn những nhân viên tâm huyết, quyết tâm đổi mới và hội đủ một số điều kiện để tham gia. Nhân viên BĐ-VHX không phù hợp với môi trường mới đều được tạo điều kiện chuyển sang làm những công việc khác.

Tuy nhiên, để các nhân viên điểm BĐ-VHX đa dịch vụ phát huy được năng lực, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã chú trọng tới việc đào tạo tập trung, đào tạo theo chuyên đề. Nhân viên sẽ được tham gia đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, nắm bắt được chủ trương, định hướng phát triển hệ thống điểm BĐ-VHX. Đặc biệt, thông qua các lớp học, nhân viên sẽ tính toán được cách ghi nhận doanh thu và mức thu nhập được hưởng khi tham gia bán các sản phẩm dịch vụ cho bưu điện, biết lập báo cáo doanh thu hàng tháng và hiểu rõ quy định về xử phạt chất lượng của đơn vị.

Thông qua các lớp đào tạo, nhân viên đã nắm bắt được vai trò vị trí của mình tại điểm BĐ-VHX trong tình hình mới, giúp họ tự tin, hào hứng tham gia phát triển kinh doanh dịch vụ, yên tâm gắn bó với nghề. Vì thế, BĐ-VHX đang trở thành địa chỉ thu hút lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng, có trình độ.

Tiếp tục hướng đi mới

Ông Đặng Bá Lộc, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình, cho biết: Dẫu có lúc thăng trầm nhưng từ khi ra đời đến nay, điểm BĐ-VHX luôn là kênh thông tin hữu ích, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng nông thôn. Đây cũng là điểm đưa các dịch vụ tiện ích của bưu điện tỉnh đến gần với người dân.

Mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ đã phát huy song song hai nhiệm vụ: phục vụ công ích và kinh doanh, đảm bảo mục tiêu hoạt động hiệu quả. Không dừng lại ở các dịch vụ bưu chính truyền thống mà còn có thêm các dịch vụ khác như: phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch, đặc biệt là các thiết bị viễn thông - truyền hình kỹ thuật số phục vụ bà con nông thôn, góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ…

Hơn thế nữa, tới đây, các điểm BĐ-VHX sẽ triển khai các dịch vụ hành chính công như tổ chức tiếp nhận và chuyển phát hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và tổ chức trên địa bàn. Phối hợp với các đối tác triển khai dịch vụ thu hộ như: thu tiền điện, thu thuế hộ kinh doanh, thu vay tín dụng cho các tổ chức ngân hàng…, tạo thuận lợi cho công dân và tổ chức, doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho nhân viên BĐ-VHX.

Theo: Nguyễn Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn