Ngân hàng Hợp tác: Vững tay chèo vượt khó

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra 6 tháng cuối năm cũng như kế hoạch năm 2017, NHHT sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò là ngân hàng đầu mối để thực hiện chức năng điều hòa vốn trong hệ thống QTDND.

Tiền gửi điều hòa nhận từ các QTDND liên tục tăng so với đầu năm, trong khi dư nợ cho vay các QTDND giảm. Sáu tháng đầu năm 2017 vẫn là thời điểm còn nhiều khó khăn đối với hoạt động của Ngân hàng Hợp tác (NHHT). Tuy nhiên, với sự chủ động điều hành hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt, tiếp tục triển khai các hoạt động tín dụng theo định hướng an toàn, bền vững, NHHT vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống, tích cực hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.

NHHT đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về lãi suất và tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn

Vững vai ngân hàng chủ lực

Lãnh đạo NHHT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của các QTDND vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Phần lớn các QTDND đều tự cân đối được nguồn vốn huy động tại chỗ để cho vay, đồng thời còn dư thừa nguồn gửi về NHHT nên nhu cầu vay vốn NHHT không nhiều.

Số dư tiền gửi vốn điều hòa của các QTDND tại NHHT đến 30/6/2017 là 14.967 tỷ đồng, tăng 2.851 tỷ đồng so với 31/12/2016 (tỷ lệ tăng là 23,53%), trong khi dư nợ cho vay điều hòa đối với các QTDND là 3.901 tỷ đồng, giảm 965 tỷ đồng so với 31/12/2016 (tỷ lệ giảm 19,82%).

Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò tổ chức đầu mối của NHHT đối với hệ thống giảm. Ngoài việc cho vay các QTDND để đảm bảo thanh khoản, mở rộng tín dụng, NHHT còn hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động để giúp đỡ, tư vấn trong quản trị điều hành, huy động vốn và cho vay. NHHT đã triển khai nhiều sản phẩm cho vay đối với QTDND để tăng trưởng dư nợ như: cho vay hợp vốn, cho vay liên kết, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán…

Đối với các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động, một mặt NHHT cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời, mặt khác tham mưu, phối hợp với Chi nhánh NHNN, chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND vượt qua khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ, đáp ứng khẩn trương và kịp thời về vốn của NHHT mà các QTDND nói trên sớm ổn định tình hình hoạt động, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững.

6 tháng đầu năm ghi nhận mạng lưới thanh toán được mở rộng thêm cho 40 QTDND, nâng tổng số điểm giao dịch trong mạng lưới thanh toán là 524 điểm, bao gồm: 27 chi nhánh, 62 phòng giao dịch và 435 QTDND.

Hệ thống thanh toán chuyển tiền nội bộ được duy trì hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho công tác điều hòa vốn, đồng thời cung ứng dịch vụ chuyển tiền phục vụ nhu cầu thanh toán của thành viên và khách hàng. Số liệu giao dịch thanh toán nội bộ qua hệ thống Ngân hàng điện tử (CF-eBank) đến 30/6/2017: doanh số chuyển tiền đi đạt 89.802 tỷ đồng (330.286 món), doanh số chuyển tiền đến đạt 85.766 tỷ đồng (227.212 món).

Số liệu giao dịch thanh toán chuyển tiền ra ngoài hệ thống qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán đa phương đến 30/6/2017: doanh số chuyển tiền đi đạt 37.184 tỷ đồng (135.150 món), doanh số chuyển tiền đến đạt 31.491 tỷ đồng (50.590 món).

Trong sáu tháng đầu năm cũng có thêm 1.960 thẻ ghi nợ được mở, nâng tổng số thẻ đã phát hành lên 9.265 thẻ. Giao dịch rút tiền mặt qua ATM NHHT là 10.897 giao dịch với số tiền là 26.402 triệu đồng; giao dịch rút tiền mặt qua ATM liên minh là 12.606 giao dịch với số tiền 20.583 triệu đồng; giao dịch ứng tiền mặt qua POS là 12.337 giao dịch với số tiền 268.591 triệu đồng; giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ qua POS liên minh là 1.456 giao dịch với số tiền 2.488 triệu đồng.

Tỷ lệ thẻ hoạt động là 100%, các tra soát khiếu nại của khách hàng đã được xử lý nhanh chóng, đảm bảo dịch vụ và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Các giao dịch thẻ đều được xử lý chính xác, an toàn qua hệ thống nội bộ của NHHT và liên minh thẻ.

Đặc biệt, từ tháng 4 năm 2017, NHHT bắt đầu triển khai sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa. Bước đầu, sản phẩm này được triển khai tại 3 chi nhánh: Sở giao dịch, Hai Bà Trưng và Bình Thuận. Trong thời gian tới, NHHT sẽ triển khai sản phẩm này cho tất cả các chi nhánh.

Gia tăng năng lực

Bối cảnh thừa vốn cũng đặt ra những thách thức cho NHHT vừa đảm bảo hoạt động NHHT hiệu quả vừa có thể hỗ trợ hệ thống. Và việc vươn mở ra thị trường ngoài hệ thống trở thành đòn gánh vừa hỗ trợ NHHT cân đối nguồn lực vừa hỗ trợ nền kinh tế với vai trò là một TCTD.

Ngay từ đầu năm NHHT đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về lãi suất và tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, trong đó tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình cá nhân. Trong đó tập trung cho vay đối với các hộ gia đình, CBCNV là giáo viên nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phục vụ đời sống tại khu vực nông thôn.

Ngoài việc cho vay trực tiếp đối với khách hàng, NHHT cũng tích cực triển khai cho vay và giải ngân thông qua các QTDND theo hình thức cho vay liên kết, cho vay đồng tài trợ. Đến 30/6/2017, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn hệ thống là 10.601 tỷ đồng chiếm 60,11% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình là 6.147 tỷ đồng.

Cùng với công tác triển khai tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được cải thiện với việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu. NHHT thường xuyên bám sát hoạt động của các chi nhánh để nhằm chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống. Việc xử lý nợ xấu được gắn liền với các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai. Đến 30/6/2016, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,51% tổng dư nợ.

Năng lực hệ thống cũng đang được NHHT tập trung nâng cao thông qua công tác ứng dụng tin học. Hiện, NHHT đang tiếp tục tập trung củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật để vận hành có hiệu quả Trung tâm dữ liệu tập trung tại Hưng Yên, Trung tâm dự phòng, mạng truyền thông, hệ thống an toàn bảo mật giao dịch điện tử.

Mục tiêu của NHHT là phát triển thành một ngân hàng đa năng hiện đại làm tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND đang ngày thêm rõ với việc hoàn thiện các cơ chế, quy trình như hệ thống ngân hàng lõi (corebanking), mở rộng mạng lưới thanh toán cho các QTDND, các dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking, mobile banking, SMS banking...), các hệ thống quản trị nội bộ (quản trị rủi ro, thông tin báo cáo, thông tin tín dụng...) phục vụ cho hoạt động toàn hệ thống an toàn, chính xác và đáp ứng quy định của NHNN.

Cùng với việc triển khai các dự án quốc tế hiện có, NHHT cũng tiến hành các bước chuẩn bị cho việc triển khai 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật là: Dự án Số hóa tài chính vi mô về cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử với đối tác MicroSave do Quỹ Metlife của Mỹ tài trợ; Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Đẩy mạnh các hoạt động của NHHT và hệ thống QTDND” được Chính phủ Canada tài trợ do Cơ quan phát triển Quốc tế của Tập đoàn Desjardins Canada (DID) thực hiện.

Đồng thời, NHHT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình Thống đốc NHNN cho phép thành lập 5 Chi nhánh tại các tỉnh: Yên Bái, Bắc Giang, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Gia Lai; đồng thời gửi hồ sơ trình Thống đốc cho phép thành lập Phòng giao dịch Hoàng Đạo Thúy trực thuộc Chi nhánh Sở giao dịch và Phòng giao dịch Giồng Riềng trực thuộc Chi nhánh Kiên Giang.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra 6 tháng cuối năm cũng như kế hoạch năm 2017, NHHT sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò là ngân hàng đầu mối để thực hiện chức năng điều hòa vốn trong hệ thống QTDND. Trong đó, phát triển các sản phẩm mới về cho vay và huy động; Tiếp tục triển khai Hệ thống CF-eBank kết nối giao dịch điện tử các QTDND đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của NHHT.

Triển khai sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa cho tất cả các chi nhánh, tăng cường các dịch vụ tiện ích cho thẻ ghi nợ. NHHT cũng sẽ tiếp tục triển khai tích cực các dự án tín dụng; Dự án DID và Dự án Số hóa tài chính vi mô về cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử.

Đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế khác để nâng cao năng lực thể chế, phát triển sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức và tăng nguồn vốn tín dụng cho NHHT nói riêng và hệ thống QTDND nói chung.