Ngành Công Thương Ninh Bình Nỗ lực thực hiện kế hoạch chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới

Ngành Công Thương Ninh Bình Nỗ lực thực hiện kế hoạch chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới
Để góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu năm 2014, Sở Công Thương Ninh Bình đã tích cực chỉ đạo các phòng, ban chức năng tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến tiêu chí điện và chợ nông thôn.

 

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Ninh Bình đã ban hành 06 văn bản để đôn đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình phối hợp với các địa phương và đơn vị đẩy nhanh tiến độ bàn giao tiếp nhận điện lưới hạ áp nông thôn của các tổ chức bán lẻ điện nông thôn.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành 07 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn và đang tiến hành hoàn tất thủ tục với 08 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn.

Bên cạnh việc tiếp nhận bàn giao lưới điện, trong năm 2014, với sự chỉ đạo của Sở Công Thương, Điện lực Ninh Bình đã đầu tư 31,32 tỷ đồng từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 33 trạm biến áp; 33,1km đường dây trung thế; 28,8km đường dây hạ thế tại 18 xã trên địa bàn đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết: Đối với 13 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 đã có 13/13 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Như vậy trên toàn tỉnh Ninh Bình hiện đã có 72/119  xã đạt tiêu chí điện. Theo kế hoạch  từ nay đến hết quí I năm 2019, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình sẽ đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện tại 24 xã từ nguồn vay Ngân hàng Tái thiết Đức.

Trong khi đó, với tiêu chí số 7 (tiêu chí chợ), Sở Công Thương Ninh Bình đã ban hành 04 văn bản để hướng dẫn các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh xây chợ phù hợp với quy hoạch, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho các nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. “Với tinh thần học hỏi và đúc rút kinh nghiệm của các địa phương khác, Ninh Bình không xây dựng chợ qui mô quá hiện đại. Chúng tôi chỉ đạo xây dựng chợ theo các tiêu chí khang trang, sạch sẽ, gần gũi với người dân đồng thời thực hiện phương án quản lý kinh doanh, khai thác chợ theo đúng qui định của Nhà nước. Như vậy đối với 13 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới có 8/8 xã đạt tiêu chí số 7.”, bà Hồng cho biết thêm.

Không chỉ tham gia phối hợp để hoàn thành các tiêu chí về điện và chợ, thời gian qua, Sở Công Thương Ninh Bình còn chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các tiêu chí về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân thông qua các chủ trương phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề trên địa bàn nông thôn. Đặc biệt, Sở đã tập trung tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ với tổng nguồn kinh phí là 6 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh.

“Quyết định công nhận 35 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề và các nghệ nhân đã góp phần giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồng thời động viên, khuyến khích các làng nghề, nghệ nhân và doanh nghiệp đẩy mạnh sáng tác mẫu hàng mới, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, bà Hồng cho hay.

Với sự hỗ trợ tham mưu, tư vấn và quảng bá của Sở, đến nay các làng nghề  ngày tiếp tục duy trì ổn định; một số làng nghề đã mở rộng sản xuất kinh doanh như làng nghề cói, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Hoạt động làng nghề phát triển đã góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân tại các làng nghề với mức thu nhập bình quân của các lao động làng nghề đạt từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2015, Sở Công Thương Ninh Bình tiếp tục phát động CNVC-LĐ toàn ngành hưởng ứng cuộc vận động cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới bằng các việc làm cụ thể, trong đó tập trung vào các chương trình qui hoạch ngành, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thiết kế mẫu mã sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường. Đây được coi là động lực thúc đẩy cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới  Ninh Bình về  đích trước  kế hoạch. 

Nguồn baocongthuong.com.vn