Ngành Ngân hàng Hà Nam: Khơi thông dòng vốn vào nông nghiệp công nghệ cao

Trong khi ở nhiều địa phương, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang là những kế hoạch còn được nghiên cứu, bàn thảo, thì ở tỉnh Hà Nam, nhiều dự án đã bắt đầu cho “quả ngọt” và được thị trường đón nhận.

Phát huy lợi thế nông nghiệp

Tiêu biểu như Dự án của Công ty Vineco, tại xã Xuân Khê, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, sau gần 1 năm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã có sản phẩm rau, củ quả sạch tiêu thụ ở các siêu thị Vinmart, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Dự án có diện tích 180 ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó có 5 ha nhà kính công nghệ cao Israel.

Hay như Hợp tác xã Rau sạch Đức Huy Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân với quy mô sản xuất 5 ha rau các loại đã ký hợp đồng tiêu thụ rau với Công ty Hằng Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội để đưa sản phẩm vào tiêu thụ nội đô. Tính chung đến nay, sản phẩm của các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nam đã cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số siêu thị lớn như Aeon, Vinamart, Vinmart… tại thành phố Hà Nội.

Cần có các quy định phù hợp về tài sản gắn liền với đất nông nghiệp để ngân hàng có cơ sở cho vay vốn

Là một địa phương nằm giáp ranh Thủ đô Hà Nội, chính quyền tỉnh Hà Nam đã sớm nhận thức về các lợi thế phát triển của địa phương. Thay vì chỉ chú trọng phát triển công nghiệp, Hà Nam vẫn coi nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên theo ông Trương Quốc Huy, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thực tế cho thấy năng lực sản xuất của nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp hiện nay vẫn ở mức thấp, nguồn lực đầu tư còn ít, giá trị sản xuất của ngành còn khiêm tốn so với nhiều lợi thế và tiềm năng của tỉnh.

Trước thực trạng đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi chính xác, hết sức phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Nam nói riêng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, phát triển nông nghiệp phải là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mới có thể cạnh tranh. Đồng thời Thủ tướng cũng khẳng định, các nhà tư vấn, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp ở bất cứ tỉnh nào làm nông nghiệp công nghệ cao thì Chính phủ đều ủng hộ.

Với sự quyết tâm và các chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía Chính phủ, chính quyền tỉnh Hà Nam đã huy động các cơ quan, ban ngành của tỉnh vào cuộc để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đặc biệt ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực hoạt động an toàn, hiệu quả, thể hiện đúng tinh thần là huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp tích cực và quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng tích cực mở rộng đầu tư tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nam cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức được vay vốn theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gồm Công ty Cổ phần An Phú Hưng và Công ty TNHH lợn giống Dabaco Hà Nam, với dư nợ đạt 55 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn so với mức bình quân. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình tới nay đã đạt hơn 70 tỷ đồng.

Để đưa vốn vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, NHNN tỉnh Hà Nam đã thực hiện rất nhiều công việc nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng. Theo đó, ngành Ngân hàng phối hợp với các sở, ban ngành địa phương nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động đáp ứng nhu cầu vốn cho các khách hàng trên địa bàn nông thôn, đảm bảo vốn cho vay có hiệu quả, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Các NHTM, chủ lực là các NHTM nhà nước dành nguồn vốn để cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng cáo về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các TCTD tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng đủ điều kiện tiếp cận vốn vay đảm bảo công khai, minh bạch.

Để ngân hàng không còn “chùn bước”

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, số dự án tiếp cận được vốn ngân hàng còn khá hạn chế so với nhu cầu mở rộng sản xuất thời gian tới. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, nông nghiệp hiện vẫn là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả bấp bênh...

Trong khi đó việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng nên nhà đầu tư chưa yên tâm khi bỏ vốn đầu tư. Các nguyên nhân này khiến tín dụng ngân hàng đầu tư vào đây còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định.

Vì các lý do này, khi tiếp cận các đối tượng muốn vay vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng phải thẩm định dự án hết sức cẩn trọng để đảm bảo đồng vốn phát huy hiệu quả, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. Qua thẩm định, trên địa bàn số lượng các tổ chức, cá nhân đáp ứng các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tỷ lệ thấp.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung - cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều bất cập; tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ vấn đề thủ tục hành chính nằm ngoài khả năng giải quyết của ngân hàng, đó là tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới, nhà sơ chế...) mặc dù có giá trị đầu tư lớn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, đứng trước hàng loạt vấn đề gây cản trở như vậy, ngành Ngân hàng dù rất sẵn sàng cung ứng vốn phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhưng vẫn phải “chùn bước”. Song trước các nút thắt tiếp cận vốn này, ngành Ngân hàng với vai trò là cơ quan hỗ trợ xây dựng chính sách, vừa qua đã đề xuất một số kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Hà Nam để gỡ nút thắt đưa vốn vào nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, Chi nhánh NHNN đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố có các biện pháp hiệu quả để các sản phẩm nông nghiệp được tổ chức thành chuỗi liên kết khép kín và hiện đại, từ sản xuất thức ăn, con giống, tới thu mua, vận chuyển và chế biến, đa dạng hóa và cung ứng sản phẩm; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng, nội ngành và liên ngành theo quy hoạch địa phương.

Nâng cao chất lượng dự báo thị trường nông sản, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua con đường chính ngạch, sắp xếp sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng sản xuất dư thừa hoặc được mùa mất giá.

Có giải pháp để tăng số lượng các tổ chức, cá nhân đáp ứng được các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định tại Quyết định 738 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là một trong các cơ sở để ngân hàng giải quyết việc cho vay.

Ngoài ra, cần phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp để giúp cho các hộ dân, doanh nghiệp và TCTD có nguồn bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra. Giải quyết các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nông nghiệp phục vụ việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.