Ngành Nông nghiệp: Đối mặt nhiều thách thức
- Thứ hai - 11/01/2016 04:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát triển nhưng chưa bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng chưa bền vững. Bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,1%, nhưng có sự dao động lớn qua các năm. Trong đó có 3 năm tăng trưởng thấp, từ 2 đến 3%. Khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của một số ngành hàng, sản phẩm chưa cao, thị trường thiếu ổn định. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản, cao su… có giá thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại của các nước cạnh tranh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp bị cạnh tranh mạnh bởi hàng hóa nhập khẩu như ngô, đỗ tương, bông, thuốc lá, sản phẩm chăn nuôi. Tình trạng sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng và sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, đặc biệt tại các vùng miền núi. Nhiều hệ thống công trình hạ tầng thiếu đồng bộ, một số nơi có công trình đầu mối nhưng thiếu kênh mương. Đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiểm nghiệm, kiểm dịch thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông sản và vật tư nông nghiệp... chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng mô hình trang trại sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Hải Anh |
Ông Nguyễn Thanh Hùng, đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nhưng chưa đủ mạnh nên khó thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt đã gây bức xúc cho xã hội. Kiểm soát chất cấm, vật tư đầu vào liên quan tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế… nên chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiều địa phương nhất là những vùng kinh tế kém phát triển. Theo ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2015 là một năm khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của tỉnh, hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, ước tính thiệt hại 200 tỷ đồng. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản giảm nên sản lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh cũng giảm từ 24 tỷ con xuống còn 9 tỷ con.
Nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Mục tiêu của ngành phấn đấu năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020 là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng... Trong đó năm 2016, mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành là 3-3,5%, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 2,5-3%; giá trị sản xuất năm 2016 tăng 3,5-4%, bình quân 5 năm 2016-2020 là 3,5-4%. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 31 tỷ USD năm 2016 và khoảng 39-40 tỷ USD năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế của từng địa phương; hoàn chỉnh việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là việc phát triển các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ ở các địa phương...
Năm 2016, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông, lâm, thủy sản để phục vụ cho sản xuất; ưu tiên các công trình, dự án phục vụ tái cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp có khả năng tạo ra đột phá nhanh. Bên cạnh đó là việc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý; quảng bá sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến thay vì xuất khẩu thô như hiện nay. Cùng với đó là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Ngọc Quỳnh/hanoimoi.com.vn