Ngành Nông nghiệp đưa ra các giải pháp vực dậy sản xuất
- Thứ năm - 12/03/2020 19:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Bám sát thị trường và đẩy mạnh chế biến
Về mảng trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trồng lúa kết hợp với nuôi trông thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của các điều kiện thời tiết khí hậu để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.
Cùng với đó sẽ rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi. Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống, theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, rải vụ thu hoạch để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu quả tươi cũng như đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.
Đối với các tỉnh phía Nam, tập trung và định hướng rải vụ 5 cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) và các cây trồng khác có điều kiện phù hợp. Các tỉnh phía Bắc tập trung bố trí cơ cấu giống rải vụ thu hoach với cây vải, nhãn, chuối, cam, bưởi, xoài, bơ... Đối với một số cây ăn quả phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro giá cả, tiêu thụ (cây có múi cam, bưởi,...) tăng cường khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng, đầu ra và tín hiệu tích cực từ thị trường.
Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương, vùng; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng các giống bản địa, đặc sản địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới, có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.
Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu: quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh; chú trọng các loại sản phẩm đông lạnh, nước quả cô đặc,…; đầu tư, khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý sau thu hoạch (chiếu xạ, xông hơi nước nóng,...) đảm bảo yêu cầu xuất khẩu trái cây tươi.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị đối với các cây trồng chủ lực từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, tăng tỷ trọng tiêu thụ qua hợp đồng theo chuỗi giá trị lên khoảng 30 - 35% vào năm 2020.
Về chăn nuôi gia cầm sẽ chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm, cụ thể thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn, khả năng kiểm soát dịch bệnh, thị trường, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và tín dụng để người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.
Tập trung nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Kiểm soát dịch bệnh và chất lượng con giống
Về lĩnh vực Chăn nuôi, đối với chăn nuôi lợn, tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường.
Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn các địa phương, người chăn nuôi khuyến khích mở rộng quy mô đàn gia súc ăn cỏ theo cả hướng thịt và sữa. Khuyến khích chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng thâm canh cỏ, ngô sinh khối và chế biến nâng cao giá trị dinh dưỡng nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
Triển khai mạnh công tác kiểm soát chất lượng con giống, sản phẩm giống trong sản xuất, khuyến khích giai pháp cải tạo nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ trong sản xuất băng biện pháp thụ tinh nhân tạo và đảo đực giống ở những vùng chưa có điều kiện thụ tinh nhân tạo.
Nuôi trồng thủy sản sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Hướng dẫn, chỉ đạo công tác mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2020; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020.
Tập trung đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, nuôi lồng bè; công tác kiểm tra, cấp duy trì chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
Xây dựng quy trình đầy đủ về công tác xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi xuất khẩu. Phối hợp hoàn thiện hệ thống chứng nhận điện tử để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá như cấp phép khai thác với công tác chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng bốc dỡ qua cảng theo yêu cầu của Uỷ ban châu Âu (EC). Chuẩn bị tốt nội dung để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC đánh giá tiến độ thực hiện các khuyến nghị lần thứ 2 (cuối tháng 5/2020).
Về lĩnh vực lâm nghiệp, triển khai các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó tập trung trồng và chăm sóc rừng, công tác phòng, chữa cháy rừng. Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển lâm nghiệp. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có để tăng độ che phủ rừng lên 42%.
Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; đảm bảo cung cấp phần lớn gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo, nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản khác cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/PLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn