Ngành Văn hóa chung tay xây dựng Nông thôn mới
- Thứ hai - 30/07/2018 20:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân chung tay xây dựng Nông thôn mới.
Chung sức, đồng lòng
Với quan điểm “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Từ chủ trương đó năm 2008, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), đây là chương trình tổng thể bao gồm nhiều nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và hệ thống chính trị cơ sở. Để triển khai thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM ở 2 giai đoạn (2010-2016; 2016-2020) gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí: Tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa)…
Từ chủ trương đó, Bộ VHTT-DL đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhìn chung, các văn bản được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đối với xây dựng NTM, để thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ VHTT-DL đã ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương trong triển khai thực hiện. Các địa phương trong cả nước đã kịp thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêu chí 06 và 16 trên địa bàn quản lý.
Xây dựng lộ giao thông nông thôn tại xã Thạnh Thới An huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
Hàng năm, Bộ VHTT-DL phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan ký kết các chương trình phối hợp. Như chương trình phối hợp Bộ VHTT-DL với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình, du lịch, thể thao giai đoạn 2018-2022; Phối hợp với Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh các hoạt động VHTT-DL và gia đình vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2022 (số 5299/CTPH-BVHTTDL-UBDT ngày 12/12/2017); Phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gia đình, thể dục thể thao và gia đình nhằm phát huy tối đa nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa góp phần thực hiện hiệu quả trong xây dựng NTM.
Ở địa phương, ngành Văn hóa đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ban, ngành, đoàn thể xã hội trong tổ chức thực hiện các tiêu chí văn hóa gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai, lồng ghép thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, các chương trình phối hợp liên ngành, tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp từng năm hoặc từng giai đoạn.
Những tín hiệu tích cực
Cùng với đó, Bộ VHTT-DL thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác kịch, tiểu phẩm, ảnh, ca khúc về đề tài “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Như phát động cuộc thi sáng tác và triển lãm ảnh tại các địa phương Sơn La, Đắk Nông (năm 2016); sáng tác tiểu phẩm sân khấu (2017); Liên hoan tuyên truyền lưu động khu vực Tây Bắc (2017); Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc đề tài Bảo vệ môi trường tại tỉnh Thanh Hóa (2017), tại tỉnh Bình Định (2018).
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được hoàn thành.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, ở giai đoạn 2010-2016 cơ bản tập trung vào nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế xã hội, đến giai đoạn 2016-2020 cần phải tập trung vào nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó chú trọng đến các nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường..., đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an ninh trật tự ngày càng tốt hơn vì vùng nông thôn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng, văn hóa nông thôn là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc, do đó, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI.
Thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020”, Bộ VHTT-DL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào (số 4388/KH-BVHTTDL ngày 28/10/2016), mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, về tiêu chí 6: có 75% số xã đạt chuẩn tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 80% số xã có Trung tâm Văn hóa - Thế thao (TTVHTT); 70% số thôn có Nhà Văn hóa - Khu thể thao (NVHKTT); về tiêu chí 16: 75% số xã đạt chuẩn tiêu chí 16 về văn hóa. Theo số liệu tổng hợp được từ các địa phương về tiêu chí 6, năm 2016 ở cấp xã có 5.996/10.230 xã có TTVHTT xã (58,6%) đến năm 2018 có 6.997/8.928 (các xã xây dựng NTM) (đạt 78,4%); ở cấp thôn năm 2016 có 66.513 NVHKTT thôn (60,6%), đến năm 2018 có 73.748/106.382 NVHKTT thôn ( đạt 69,4%).
Nhân dân tham gia dựng Nhà Văn hóa.
Nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ văn hóa tại cơ sở, hàng năm, Bộ VHTT-DL tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và quản lý và tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thực hiện tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương, vùng miền trên toàn quốc, đối tượng tập huấn là những người làm công tác văn hóa ở cấp thôn, cấp xã, từ đó sẽ có thêm những kinh nghiệm trong quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn.
Đến nay diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều đổi thay tích cực: sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề có bước phát triển mạnh; văn hóa, xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống được cải thiện, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, khắp các địa phương trên cả nước xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong xây dựng NTM ở các lĩnh vực.