Ngành nông nghiệp: Nhận diện để tái cơ cấu

Hộ sản xuất nông nghiệp bao gồm chăn nuôi và trồng trọt đều gặp phải khó khăn trong đầu vào lẫn đầu ra. Những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ lại càng ít có cơ hội tiếp cận với thương mại hóa. Nhiều chính sách hỗ trợ cho người nông dân vì vậy có khoản trống lớn. Trong khi đó muốn làm giàu từ nông nghiệp thì phải thay thế về quy mô, cơ cấu để hạn chế với các cú sốc và những chấn thương.
Cánh đồng mùa gặt
Sản xuất nhỏ là chủ đạo
 
Cộng đồng dân cư ở nông thôn Việt Nam có mối quan hệ ngày càng gắn kết với các thị trường hàng hóa và lao động. Vì nông nghiệp canh tác quy mô nhỏ lâu nay chiếm ưu thế trong nền kinh tế của đất nước nên dẫn tới mặt trái là mục tiêu kinh tế đem lại thấp. 
 
Sự mất cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi đang dần được cải thiện trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhưng đáng buồn, chăn nuôi vẫn chỉ dừng lại ở hộ gia đình nhỏ. Trong một cuộc điều tra về đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương thực hiện đưa ra kết quả: có 61,1% hộ điều tra khẳng định tham gia vào hoạt động chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản. Trong đó số hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản chiếm 8,5% tập trung ở vùng núi phía Bắc là Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An… và hầu hết các hộ chăn nuôi tại đây đều khẳng định có "quy mô nhỏ” phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hộ. Trong khi đó, mới chỉ có số ít các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu long có mô hình sản xuất chăn nuôi hướng theo quy mô lớn. 
 
Như vậy  muốn làm giàu từ nông nghiệp thì phải có sự thay đổi về cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như có sự thay đổi về cấu trúc nông thôn, thay đổi trình độ sản xuất để đảm bảo nông dân có thể sản xuất hàng hóa và kết nối được với thị trường. Cụ thể, cần đẩy nhanh từ nông nghiệp tự cung tự cấp sang các hoạt động tạo giá trị gia tăng cao hơn. Nếu chỉ đơn thuần là sản xuất quy mô nhỏ, việc tiếp cận tín dụng, đất đai khó khăn hơn. Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất hộ gia đình, người nông dân dễ bị thương lái ép giá và không làm chủ được sản phẩm của mình, kể cả về giá cả lẫn thương hiệu.
 
Giáo sư Finn Tarp (Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen) phân tích: Người Việt Nam đang giàu hơn, nhưng thu nhập của nông dân đang ngày càng giảm đi, đồng nghĩa với việc họ phải "nai lưng” ra làm việc và tham gia nhiều công việc khác nhau để vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống.  "Đây chính là nguy cơ, vì một khi phải làm nhiều việc, người nông dân sẽ mất đi cơ hội tăng quy mô, kỹ năng để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận. Trong khi đó, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là thời tiết, giá cả đầu vào cho sản xuất biến động mạnh, thị trường hoạt động không hoàn hảo, có thể rất tốt với người có thế lực, nhưng khó với người dễ tổn thương” – GS Finn Tarp nói.
 
Hỗ trợ trực tiếp
 
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam có đặc điểm mang tính thời vụ, chu kỳ theo thời gian rất cao.  Người nông dân rất yếu về khả năng đàm phán, mặc cả giá, trong khi thị trường chúng ta tham gia là thị trường thế giới mà biến động giá cả lại do các nhà phân phối, xuất nhập khẩu chi phối. Để hỗ trợ cho nông dân, cơ quan quản lý cũng đã tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thị trường và xây dựng thị trường hàng hóa, bán có kỳ hạn… Tuy nhiên vẫn còn khoảng trống đối với hộ sản xuất nhỏ.
 
Theo khẳng định của các chuyên gia, ngành nông nghiệp cần chuyển những ngành hàng có tính cạnh tranh thấp sang những ngành hàng có cạnh tranh cao hơn. Chẳng hạn trong trồng trọt có thể giảm đất lúa, chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi, tập trung và phát triển các mặt hàng như cao su, hồ tiêu, điều… có lợi thế cạnh tranh. Đối với cơ cấu các ngành, cần chuyển bớt trồng trọt sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.. Tái cơ cấu nông nghiệp, trong việc làm cụ thể là cần tổ chức lại sản xuất  lớn. Tổ chức lại nhân sự quản lý ngành đến việc tổ chức lại phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất với quy mô công nghiệp, quy trình hiện đại hóa. Đặc biệt, đầu tư chế biến thành phẩm để tăng giá trị gia tăng.
Hồ Hương
theo daidoanket