Ngành nông nghiệp gỡ dây buộc mình để hội nhập
- Chủ nhật - 22/04/2018 10:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Âm thầm nhưng quyết liệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là một trong những đơn vị tích cực nhất trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh khi quyết tâm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 131/345 điều kiện đầu tư kinh doanh về nông nghiệp. Đây là động thái rất cần thiết, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí, giải phóng sức cạnh tranh, tăng cơ hội gia nhập thị trường...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 131/345 điều kiện đầu tư kinh doanh về nông nghiệp. |
Thực tế, dù có lợi thế so sánh, song ngành nông nghiệp Việt Nam lại “đội sổ” về thu hút vốn đầu tư. Chi phí lớn, lợi nhuận thấp, ưu đãi chưa nhiều, điều kiện kinh doanh chưa thuận lợi là lý do khiến không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp chùn chân dù muốn rót vốn vào lĩnh vực này.
Đây cũng là một trong những lý do khiến nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, chưa thể tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn, hiện đại… như kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực cởi trói điều kiện kinh doanh không chỉ giúp ngành nông nghiệp đạt được mục tiêu tái cơ cấu, mà còn là yêu cầu bức thiết của các cơ quan quản lý khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, thị trường toàn cầu đang tiến tới sân chơi chung. Gần đây nhất, việc các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam đồng ý xóa bỏ hầu như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại… chắc chắn sẽ tác động lớn nhất tới nông nghiệp.
Cơ hội mà CPTPP mở ra rất lớn, song một số ngành hàng nông nghiệp của Việt nam sẽ có nguy cơ “thua” trên sân nhà. Dĩ nhiên, trong hội nhập, doanh nghiệp phải là người chủ động, nhưng sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi lành mạnh, minh bạch hóa các thủ tục hành chính… sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập.
Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy hợp tác quốc tế… Động thái cắt giảm kinh doanh của các bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT là nhằm cụ thể hóa chủ trương này.
Đương nhiên, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh không có nghĩa là nới lỏng quản lý. Chất lượng nông sản liên quan chặt chẽ đến sức khỏe người tiêu dùng, gắn với uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam, vì vậy, bài toán đặt ra lúc này là làm thế nào để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vừa phải siết chặt kiểm tra chất lượng hàng hóa. Biện pháp trước mắt có thể là bên cạnh việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT cũng phải thay đổi thể chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính là rất cần, song vẫn chưa đủ. Trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có một thực tế không thể phủ nhận. Đó là đang tồn tại sự bất bình đẳng khi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thu mua nông sản tốt hơn doanh nghiệp trong nước.
Có thể khẳng định rằng, muốn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bước tiếp theo trong nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh là phải tiếp tục rà soát, sửa đổi các luật liên quan tới đất đai, đầu tư, doanh nghiệp… theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng. Trong khi không ít quốc gia dựng thêm ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng hóa trong nước, thì cùng với cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn, sát cánh cùng doanh nghiệp xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.