Ngành nông nghiệp ứng phó nắng nóng

Nắng nóng gay gắt kéo dài gần một tuần qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp các địa phương đã khẩn trương kiểm tra sản xuất để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiệt hại.
Cán bộ nông nghiệp tỉnh Hà Nam kiểm tra đồng ruộng tại xã An Nội, huyện Bình Lục.

Đợt nắng nóng này diễn ra đúng vào khung thời vụ gieo cấy lúa mùa, cho nên nông dân tỉnh Hà Nam vẫn tranh thủ sáng sớm và chiều muộn, lúc thời tiết mát mẻ để xuống đồng cấy lúa. Hơn 6 giờ, trên cánh đồng xã An Nội, huyện Bình Lục đã đông kín người. Ði thăm đồng vừa mới cấy xong, bà Ðỗ Thị Thủy cho biết: "Cả tuần qua, ngày nào tôi cũng phải dậy sớm để đi kiểm tra mực nước của mấy thửa ruộng. Thời tiết nắng nóng này mà để thiếu nước là lúa chết ngay".

Nhiều hộ dân tranh thủ ra đồng từ tờ mờ sáng để kịp nhổ mạ, cấy lúa đúng khung thời vụ. Ðến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành 97% diện tích cấy lúa mùa. Trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng do nhiệt độ tăng cao, một số diện tích lúa trên chân ruộng cao bị hạn cục bộ, táp lá. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc lúa ngay sau cấy cũng bị ảnh hưởng do việc bón phân cho lúa phải chậm lại.

Tại TP Hà Nội, vụ mùa năm 2018, toàn thành phố gieo trồng khoảng 111.800 ha, gồm 93 nghìn ha lúa và 8.800 ha cây trồng khác. Tính đến hết ngày 2-7, TP Hà Nội đã cấy được 95% diện tích. Nắng nóng gay gắt tuy chưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp nhưng đã làm xáo trộn đời sống người dân. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải, huyện Thạch Thất Nguyễn Ðỗ Ban cho biết: Ðể tránh nắng nóng, nông dân tranh thủ xuống đồng từ 4 đến 5 giờ sáng và sau 5 giờ chiều, nhiều nhà phải đeo đèn đi cấy đêm; ban ngày nước ở ruộng nóng rát chân không thể làm được. Hiện, hợp tác xã đã gieo cấy được 100 ha trong số 300 ha lúa. Do nhiệt độ tăng cao, nhiều diện tích mới cấy bị táp lá khiến việc chăm sóc lúa sau cấy gặp rất nhiều khó khăn. Ðến thời điểm hiện tại, huyện Thạch Thất mới chỉ cấy được 60% trong tổng số 5.541 ha lúa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải, phụ trách quản lý và điều hành Công ty TNHH Một thành viên Ðầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cho biết, toàn hệ thống quản lý gần 600 trạm bơm. Ðể chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong những ngày nắng nóng, nhiều trạm bơm được huy động vận hành cấp nước cho các địa phương. Dự báo trong tháng 7, mực nước các hồ chứa nhiều khả năng cũng chỉ đạt ở mức trung bình khoảng 43%. Do đó, các địa phương cần hết sức chú ý, bảo đảm nguồn nước trữ phục vụ gieo cấy và nhu cầu tưới dưỡng cho cây trồng vụ mùa.

Ðến nay, vụ hè thu 2018 các tỉnh phía bắc đã gieo cấy xong, lúa mùa đã gieo cấy được 50% diện tích trà mùa cực sớm và sớm; các địa phương đang tích cực gieo cấy trà lúa còn lại. Ðể gieo cấy lúa trong khung mùa vụ tốt nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nắng nóng, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương, đối với diện tích mạ còn non gieo cấy trà mùa chính vụ, cần giữ mạ trên ruộng thêm năm đến bảy ngày nữa, khi nhiệt độ giảm sẽ tiếp tục cấy và phải giữ nước sâu ngập chân mạ nhằm tạo lớp đệm bảo vệ bộ rễ còn non; giữ nước ngập mặt ruộng đối với các ruộng lúa đã cấy và chuẩn bị cấy.

Người dân chú ý nhổ mạ đến đâu cấy hết đến đó, tránh đập, rũ hết đất ở rễ mạ, xúc hoặc hớt để cấy là tốt nhất. Với diện tích gieo sạ, gieo vãi nên lùi lại sau đợt nắng nóng. Diện tích đã gieo cần bơm nước ngập sâu mặt ruộng vào ban ngày và tháo cạn vào đêm. Chuẩn bị đủ lượng giống lúa ngắn ngày dự phòng, tranh thủ khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng và các đầu khâu, đầu cống, sẵn sàng tiêu nước nếu gặp mưa úng sau gieo cấy và có giống gieo bổ sung kịp thời…

Ngoài những tác động tiêu cực tới lĩnh vực trồng trọt, nắng nóng cũng làm ảnh hưởng nhất định tới ngành chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn thả. Tại Hà Nam, các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ đang rất lo lắng, vì bò sữa rất nhạy cảm với thời tiết nắng nóng. Cụ thể, nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sản lượng sữa, dễ phát sinh các bệnh cảm nắng, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết bò sữa nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Ở một số trang trại chăn nuôi khép kín, những ngày nhiệt độ cao như hiện nay, hệ thống làm mát hoạt động hết công suất, nhất là hệ thống nước được bơm lên làm mát mái để hạ nhiệt độ và tắm mát cho đàn gia súc. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giảm bớt được phần nào tác động của nắng nóng. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi, bởi chi phí sẽ tăng cao và tốc độ tăng trọng lượng của đàn vật nuôi thì bị chậm lại, dịch bệnh dễ bị bùng phát. Ðiều đáng lo ngại nhất đối với các trang trại chăn nuôi tập trung trong mùa nắng nóng là nguồn điện phải được duy trì bảo đảm giữ mát cho khu chuồng trại. Nếu nền nhiệt kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của vật nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm chống nóng, ông Trần Văn Tùng, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) - hộ chăn nuôi 50 con lợn nái chia sẻ các biện pháp cần thiết. Ðó là giữ cho chuồng trại thoáng mát, vệ sinh, thường xuyên tắm cho lợn để giảm nhiệt. Phải chú ý cho đàn lợn ăn, uống đầy đủ chất để tăng sức đề kháng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra, các địa phương cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Ðịnh kỳ tẩy giun, sán cho vật nuôi; phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh. Ðồng thời, phát hiện sớm gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: MINH HUỆ và ĐÀO PHƯƠNG
http://www.nhandan.com.vn