Ngành nông sản bàn cách sống tốt sau TPP

(NTD) - Trong khi không ít các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại thì nhiều doanh nghiệp Việt lại khẳng định họ đã sẵn sàng cho cuộc chơi có quy mô lớn ở tầm toàn cầu này.

TPP đặt ra nhiều thách thức

ngành nông sản bàn cách sống tốt sau TPP
Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21/11 vừa qua.

Trong diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21/11 vừa qua, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, khi TPP được thông qua, việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc… giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra cú hích lớn đối với hoạat động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành như thủy sản, trái cây, cà phê… vốn là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.

Được coi là tin vui đối với toàn nền kinh tế, cũng như ngành nông nghiệp nước ta, song cũng không ít những thách thức đang chờ đợi. Bởi rõ ràng so với các nước thì Việt Nam có nền sản xuất nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình. Nước ta có khoảng 3.500 doanh nghiệp nông nghiệp, chỉ chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó cạnh tranh.

Do sản xuất với quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém nhưng đã là “sân chơi” chung, luật chung thì ai mạnh người ấy thắng, nên nông sản Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn về tiêu thụ nếu vẫn duy trì cách quản lý như hiện nay. Trong đó, chăn nuôi là lĩnh vực rất khó khăn.

Bên cạnh đó, vấn đề về giá cũng khiến các chuyên gia lo ngại. Theo chuyên gia Bùi Trinh, khi tham gia TPP, hàng hóa nội địa sẽ bị cạnh tranh với hàng hóa những nước trong TPP, trong đó cạnh tranh chủ yếu là về giá cả.

Cũng đồng ý với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đến từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, trích dẫn thêm xếp hạng của FAOSTAT, xét về số lượng xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam ở top dẫn đầu thế giới, xếp hạng 1-5. Thế nhưng xét về giá bán, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí từ thứ 5 trở xuống. Điều này cho thấy giá bán của nông sản trong nước ra thị trường bên ngoài còn thấp, có thể bắt nguồn từ áp lực cạnh tranh về giá do nông sản thô, hoặc chưa có thương hiệu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Vũ Văn Tám thẳng thắn nhìn nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình hội nhập toàn cầu. Chất lượng tăng trưởng gần đây giảm sút. Khả năng cạnh tranh thấp và hiệu quả sản xuất chưa cao. Thêm vào đó là tình trạng sản phẩm nông nghiệp mất an toàn khiến tâm lý người tiêu dùng lo ngại.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận xét, ở thị trường xuất khẩu, nông sản Việt Nam đạt được tiêu chuẩn cao, đáp ứng được những đòi hỏi khó tính của nhiều nước phát triển. Song nông sản trong nước lại chính là thị trường không đạt được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Với thực trạng này, khi TPP đi vào cuộc sống, nông sản Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.

ngành nông sản bàn cách sống tốt sau TPP.jpg 1
Một nghịch lý lâu nay với ngành nông nghiệp Việt Nam là “đồ ngon, đồ tốt nhất đem ra nước ngoài bán hết”.

Phải giành lại thị trường nội địa

Nếu như các chuyên gia tỏ ra lo ngại cho ngành nông nghiệp nước nhà sẽ gặp khó khi vào TPP thì các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực này khẳng định, họ đã chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng tham gia sân chơi này.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương, để sống tốt, điều trước mắt là các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng giành lại và giữ chặt thị trường nội địa. Bởi khi còn thiếu công nghệ, các doanh nghiệp sẽ khó vươn tới và chiếm lĩnh được thị trường thế giới.

Ông chủ của Hùng Vương cũng khẳng định nếu còn chưa đủ tiềm lực thì đừng cái gì cũng mơ xuất khẩu. Bản thân các doanh nghiệp phải biết được lợi thế của mình và đâu mới là sân chơi chính dành cho mình. Doanh nghiệp còn nhỏ, mức đầu tư vừa phải thì nên quan tâm đến thị trường nội địa. Chúng ta có thị trường nội địa với 90 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ cũng rất lớn, thế tại sao cứ phải mải mê đi khai thác những thị trường mới đầy rủi ro làm gì.

Cũng theo vị này, các doanh nghiệp nên cùng nhau liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau về công nghệ thì giá thành sẽ hạ, giúp cạnh tranh được với nông sản của các nước phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Minh Thông, Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh cũng cho rằng, một nghịch lý lâu nay với ngành nông nghiệp Việt Nam là “đồ ngon, đồ tốt nhất đem ra nước ngoài bán hết. Người Việt có tiền cũng không có hàng ngon để ăn, phải tìm tới hàng nhập khẩu đông lạnh”.

Chính vì nhận thấy được lợi thế khi thị trường nội địa còn trống trải, ông Thông cho biết bản thân các doanh nghiệp nên giữ lấy thị trường trong nước. Với TPP, ông Thông đã tìm cách đối mặt cách đây 7 năm rồi. Bởi tiêu dùng nội địa là mảnh đất màu mỡ nên cung ứng tốt các doanh nghiệp Việt sẽ không lo bị thất thế trên sân nhà.

Sẵn sàng tham gia sân chơi lớn khi TPP có hiệu lực, đại diện của TH True Milk cho rằng, ngay từ đầu, doanh nghiệp này đã xây dựng thương hiệu đạt chuẩn quốc tế. Để có thể đáp ứng khắt khe yêu cầu từ sân chơi mới này. Bản thân ông Dương Ngọc Minh thì tin rằng, việc đàm phán hiệp định TPP kết thúc sẽ tạo sức cạnh tranh đáng kể cho thủy sản Việt Nam tại các thị trường Nhật và Mỹ.

ngành nông sản bàn cách sống tốt sau TPP.jpg 2
Nhà nước cần triển khai quyết liệt chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng nhận thấy cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp thời gian qua. Bà Trần Hải Yến, chuyên gia kinh tế từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhìn nhận nếu như giai đoạn 2008-2010 có làn sóng đại gia đổ vốn vào ngân hàng thì thời điểm này, làn sóng ấy chuyển sang nông nghiệp. Điển hình trong số đó là Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn TH True Milk, thủy sản Hùng Vương hay Vingroup. Với vị thế và quy mô hàng đầu, các doanh nghiệp này đang đầu tư vào nông nghiệp theo cách rất khác so với thời kỳ trước. Nền nông nghiệp mới này được hỗ trợ bởi nguồn lực mạnh mẽ, bài bản, tiếp thu công nghệ tiên tiến, chuyên nghiệp từ giống cho tới lúc ra sản phẩm. Vì vậy, những sản phẩm này hoàn toàn đủ chất lượng để cạnh tranh với những đối thủ quốc tế.

Điều các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị là để tăng lợi thế cho nông nghiệp, Nhà nước cần triển khai quyết liệt chương trình tái cơ cấu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ. Ngoài ra, việc điều tiết cung cầu rất cần vai trò của Nhà nước. Theo ông Trương Đình Tuyển, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là cầu tương đối ổn định, cung lại phụ thuộc thời tiết. Chúng ta đừng nói mãi câu được mùa rớt giá, vì đây là điều bình thường. Mà chúng ta phải biết điều đó để hạn chế thiệt hại, điều tiết thị trường, giúp sản xuất được bền vững hơn.

Mai Trinh
http://www.nguoitieudung.com.vn/