Ngành nông sản xuất khẩu cũng cần tái cấu trúc

Ngành nông sản xuất khẩu cũng cần tái cấu trúc
Ngành nông sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2012, tăng 10,1% so với cùng kì năm 2011, nhưng cũng đang cần một cuộc tái cấu trúc toàn diện để phát triển bền vững, tránh lặp lại điệp khúc muôn thuở như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, được mùa rớt giá.

>> Định hướng nào cho hàng nông sản xuất khẩu?

>> Hờ hững với thương hiệu nông sản
>> Xuất khẩu nông sản gặp khó
Đóng gói trái cây xuất khẩu (Nguồn internt).

Những chuyện cũ

Sự cố “vỡ nợ” của Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfisco) hồi đầu năm đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về mức độ mất an toàn trong cộng đồng DN thủy sản. Trong hội nghị toàn thể hội viên giữa tháng 6 vừa qua, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã khẳng định rằng, việc 40% DN thủy sản “chết” trong những tháng đầu năm chỉ có một phần là do khó khăn chung của nền kinh tế, còn những vấn đề như thiếu vốn và nguyên liệu cùng với sự gia tăng chi phí sản xuất, thị trường biến động... thì năm nào cũng xuất hiện.

Các năm trước nhờ giải pháp tình thế mà DN vượt qua được và đạt doanh thu, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi suy thoái kinh tế diễn ra, các ngân hàng rút vốn và tình trạng đầu tư ngoài ngành không hiệu quả đã khiến nhiều DN xuất khẩu thủy sản lâm vào khó khăn.

Đối với DN xuất khẩu gạo, tình hình không “bi đát” như thủy sản nhưng cũng vẫn lặp lại câu chuyện “muôn năm cũ” là gạo giá thấp, chất lượng không bằng gạo Thái Lan, bị cạnh tranh bởi gạo Ấn Độ và giá càng ngày càng giảm.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nay cạnh tranh chính  trong xuất khẩu gạo với Việt Nam là Ấn Độ. 6 tháng đầu năm 2012 nước này đã bán ra với giá thấp để giải quyết 26,3 triệu tấn gạo tồn kho. Với giá thấp hơn từ 30 - 50 USD/tấn của quốc gia này cùng với thuận lợi trong khâu vận chuyển, gạo Việt Nam có thể mất 20% thị phần tại thị trường châu Phi.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, song giá cả thế giới luôn biến đổi mà năng lực của DN Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, nên chưa đủ sức chi phối giá cả thị trường. “Một thực trạng đáng báo động là nếu như cách đây 2 năm tỷ trọng các DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ chiếm khoảng 15% ngành cà phê Việt Nam thì nay đã lên tới 50%, tương đương 600.000 tấn/năm. Nếu xu thế này tiếp tục phát triển, không thể không tính tới khả năng các DN cà phê FDI bắt đầu thống lĩnh và chi phối thị trường cà phê trong nước”- ông Tự cảnh báo.

Cần tái cấu trúc toàn diện

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, thời điểm tái cấu trúc DN thủy sản Việt Nam đã “chín muồi”. Việc cần làm trước tiên của DN thủy sản là cần mở rộng phạm vi bao quát, từ khâu chế biến tiến tới chi phối toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất con giống, thức ăn nuôi, nuôi, chế biến, XK và phân phối trên thị trường thế giới. DN cũng cần chủ động tìm và chia sẻ quyền lợi với đối tác để có thêm vốn đầu tư, đồng thời hợp tác chặt chẽ với ngân hàng để khoanh nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn các khoản vay phù hợp với tính chất đầu tư, tránh việc dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn.

“Để cộng đồng DN thực hiện tái cấu trúc thành công, Nhà nước cần đổi mới cơ bản về thể chế và quy định. Phải dung hòa được các lợi ích kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, để đảm bảo điều kiện ổn định cho phát triển. Việc tái cấu trúc, nâng cấp trình độ của các cơ quan và đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, để giảm bớt khó khăn cho DN trong quá trình đổi mới là cần thiết”- ông Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị.

GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ miền Nam thì cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc tái cấu trúc ngành gạo Việt Nam hiện nay nằm ở chiến lược kinh doanh của phần lớn DN. Nghĩa là DN phải sát cánh, hỗ trợ nông dân trong ngay từ công đoạn sản xuất chứ không chỉ phân phối.

Ở tầm vĩ mô, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT – Bộ NN& PTNN), trước đây trong chính sách chúng ta luôn coi nông nghiệp chủ yếu cung cấp lương thực, nguyên liệu, lao động giá rẻ cho công nghiệp và các ngành khác. Nay quan điểm phải thay đổi, cần coi nông nghiệp là ngành phát triển mạnh, không những đủ ăn mà có thu nhập cao, tạo ra giá trị gia tăng và đóng góp cho xuất khẩu lớn.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng muốn tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam thì phải đột phá 3 khâu: đầu vào cho ngành nông nghiệp, khâu phân phối và đầu ra cho nông sản. Ở đầu vào, hiện nay các thành phần như giống, nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc nông nghiệp … đều phải nhập khẩu hoặc sản xuất với giá cao làm chi phí đầu vào tăng cao, khiến nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực.

“Hệ thống thị trường của hàng nông sản hiện còn manh mún, phần lợi rơi vào tay trung gian, thương lái, còn người sản xuất chịu nhiều thiệt thòi. Ở khâu marketing, các giao dịch thương mại, sàn giao dịch... cũng còn bất cập nên hàng hoá của ta bán ra thấp hơn so với các chủng loại của các nước khác. Đó là 3 thực trạng yếu kém, nếu không có giải pháp đột phá thì khó đem lại sự phát triển bền vững cho xuất khẩu nông sản Việt Nam”- TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích.

Theo baohaiquan