Ngành thủy sản: Giảm sức cạnh tranh vì phí

Sau gần hai tháng thực hiện thông tư quy định về phí trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng loạt doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu thủy sản đang lo ngại chi phí tăng cao đột biến sẽ khiến hàng Việt Nam suy giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Mức phí mới khiến nhiều DN sản xuất, chế biến thủy sản gặp khó

Từ ngày 1/1/2017, Thông tư 286/2016/TT-BTC (Thông tư 286) và Thông tư 279/2016/TT-BTC (Thông tư 279) của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực. Theo phản ánh của các DN, cả hai thông tư trên đều khiến chi phí của DN tăng rất cao, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng Việt.

Thông tư 286 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu (GCNTPXK) theo yêu cầu của nước nhập khẩu, đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN là 350.000 đồng/lô hàng và 100.000 đồng/lô hàng nếu chỉ kiểm tra hồ sơ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), mức phí này rất cao, làm gia tăng chi phí đáng kể của DN. Nếu lấy quy mô sản xuất XK như năm 2016 thì mỗi DN sẽ phải mất thêm từ 100 triệu đồng - hơn 1 tỷ đồng/năm. Một DN cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, nếu tính theo mức phí mới, chi phí mà DN này phải bỏ ra sẽ tăng thêm 26,25 triệu đồng/tuần, tương đương 1,26 tỷ đồng/năm. Hay như một DN sản xuất hải sản khô (thuộc diện nhỏ) tại khu vực Nam Trung bộ, năm 2016, có 288 lô hàng xuất khẩu (XK) và 250 lô hàng nhập khẩu (NK). Với lượng hàng đó, năm 2017, chỉ riêng chi phí lấy mẫu để có GCNTPXK sẽ tăng thêm 100,8 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, cũng theo Thông tư 286, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản do cơ quan kiểm tra trung ương thực hiện là 50.000 đồng/lần/người, cao hơn mức thu cho công việc tương tự của Bộ Y tế, Bộ Công Thương (quy định tại Thông tư 279) là 30.000 đồng/lần/người. Bên cạnh đó, Thông tư 279 cũng không quy định ra 2 mức phí (do cơ quan trung ương và địa phương thực hiện) như công việc tương tự quy định cho ngành nông nghiệp tại Thông tư 286. Do đó, để bảo đảm sự công bằng và phù hợp, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét để áp dụng chung một cơ chế và một mức phí 30.000 đồng/lần/người về xác nhận kiến thức ATVSTP cho tất cả các ngành chế biến thực phẩm do cả 3 bộ thực hiện.

Còn đối với Thông tư 279 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác ATVSTP, phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATVSTP; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm… theo 2 mức: Công bố lần đầu 500.000 đồng /lần/sản phẩm và 300.000 đồng/lần/sản phẩm khi công bố lại.

VASEP cho biết: Theo thống kê của một DN thủy sản, năm 2016, DN này đã làm xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho 32 sản phẩm mới với chi phí từ 2 - 3 triệu đồng/sản phẩm (gồm phí kiểm mẫu và phí công bố phù hợp quy định ATVSTP). Như vậy, trung bình một năm, công ty mất 80 triệu đồng để làm xác nhận công bố mới. Ngoài ra, hàng năm, công ty phải chịu thêm chi phí gửi mẫu kiểm tra định kỳ cho từng sản phẩm để gia hạn giấy xác nhận công bố (5 năm/lần), với chi phí khoảng 620.000 - 1.530.000 đồng/sản phẩm. Tổng cộng chi phí hàng năm cho việc công bố phù hợp quy định ATTP của công ty đã lên tới khoảng 100 triệu đồng/năm.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính rà soát để giảm mức phí đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN không quá 200.000 đồng/lô hàng. Đồng thời, đề nghị mức thu thẩm định hồ sơ không quá 200.000 đồng/lần cho công bố lần đầu và không quá 100.000 đồng/lần đối với công bố lại để hỗ trợ, giảm chi phí cho DN.