Ngành thủy sản: Thách thức gấp đôi cơ hội

Những khó khăn của ngành thủy sản đã xuất hiện trong 10 năm qua, thời gian tới còn thường trực hơn, điều này sẽ đẩy lùi nỗ lực của doanh nghiệp trong hội nhập, nếu không có sự chủ động, phối hợp giữa ngành Công Thương và Nông nghiệp.
Quy định nghiêm ngặt của các thị trường đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ảnh internet.

3 cơ hội nhìn thấy

Thủy sản đang là xu hướng tiêu dùng được lựa chọn nhiều hơn trong bối cảnh có nhiều chuyển biến về dịch bệnh, chất dinh dưỡng. Và các nước bắt đầu chú trọng vào đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này tạo ra xu hướng "đẩy" các mặt hàng của Việt Nam ra khỏi “sân chơi”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cơ hội mà ngành thủy sản có được trong thời điểm này là các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam vừa mới ký kết và chuẩn bị ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU…

Cơ hội đầu tiên chính là vấn đề thuế. Khi giá thành sản xuất của Việt Nam không cạnh tranh, đang cao lên, vấn đề thuế đã giúp Việt Nam kéo thêm được năng lực cạnh tranh, trong đó có mặt hàng thủy sản, tiếp theo mới đến các vấn đề về C/O, nguồn gốc xuất xứ…

Cơ hội thứ 2 của ngành thủy sản là vấn đề chất lượng. Hiện nay, tuy các nước bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách “lách” quy định của WTO, các vấn đề kỹ thuật khiến hàng hóa của chúng ta bị ngăn cản khi đi vào các thị trường. Tuy nhiên, nhìn rộng ra thủy sản của Việt Nam vẫn có sự cạnh tranh về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ hội thứ 3 là có nhiều sự “cởi mở” về chính sách, trong đó có Nghị quyết 19 tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp từ việc tháo gỡ quy định thủ tục hành chính.

Thách thức gấp đôi

Song theo ông Nam, khó khăn, thách thức cho ngành thủy sản còn nhiều gấp đôi so với cơ hội. Những khó khăn này đã xuất hiện trong 10 năm qua, thời gian tới còn thường trực hơn,  điều này sẽ đẩy lùi những nỗ lực của doanh nghiệp trong hội nhập, nếu không có sự chủ động, phối hợp giữa ngành Công Thương và Nông nghiệp.

Vị đại diện của VASEP cho hay, các nước tăng cường các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong vấn đề kháng sinh. Bên cạnh đó, các nước còn đưa ra vấn đề bảo tồn, chống đánh bắt bất hợp pháp; ghi nhãn xuất xứ, lấy mẫu kiểm tra AND.

Thêm vào đó, vấn đề thủ tục hành chính nhiều cũng là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp thủy sản. Đơn cử như Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam nhưng khi xuất khẩu sang đã bị trả về do chúng ta không đăng ký… xuất khẩu lần đầu.

Rồi chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng là biện pháp được các nước sử dụng thường xuyên hơn.

Đáng chú ý là vấn đề bôi nhọ của truyền thông. Ông Nam dẫn chứng, ngành thủy sản khi cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các quốc gia có truyền thống thường nhận được phản hồi không tích cực từ truyền thông tự do. Theo đó, hơn 10 quốc gia sử dụng công cụ truyền thông để thông tin không khách quan về sản phẩm của Việt Nam là ô nhiễm, bẩn, biến đổi gen… “Điều đó là không đúng sự thật nhưng lại tác động ngay đến tâm lý tiêu dùng của người dân chưa từng biết đến thủy sản Việt Nam”, ông Nam nói.

Cần tiếng nói của tham tán

Hiện thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 150 thị trường khác nhau, ở cả những khu vực xa xôi nhất như châu Mỹ, Nam Phi… Mặt hàng này có sự hiện diện rộng khắp là nhờ có sự hỗ trợ rất nhiều của các tham tán thương mại dù lực lượng này còn mỏng.

Với những cơ hội nói trên, doanh nghiệp thủy sản đang trông đợi tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong lúc các khó khăn chưa được giải quyết, nhất là vấn đề cải thiện giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh, thì theo ông Nam các tham tán thương mại cũng cần chủ động thông tin chủ động 2 chiều với cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc truyền thông bôi nhọ có thể tác động tiêu cực ngay lập tức đến tiêu thụ, “Mong ngành Công Thương, Nông nghiệp phối hợp chủ động để hóa giải những thông tin đó, mang lại thông tin trung thực, đầy đủ nhất về hàng hóa Việt Nam”, ông Nam đề xuất.

Đặc biệt, công tác đấu tranh quốc tế cần được các tham tán thương mại chú trọng hơn nữa. Bởi lẽ trong quá trình hội nhập, không chỉ có giới tư nhân đưa ra các tiêu chuẩn, mà cơ quan chính phủ các nước cũng đưa ra rào cản kỹ thuật để hạn chế bớt nhập khẩu với những biện pháp đưa ra không theo thông lệ quốc tế hoặc quá xa vời với những cam kết, thậm chí không có cơ sở khoa học.

Ví dụ như Nhật Bản - thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, mỗi năm nhập khẩu từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD hiện đang kiểm tra kháng sinh nghiêm ngặt hơn cả thị trường EU gấp 10 lần. Sự việc này đã kéo dài 1 năm nay. Đặc biệt trong khi Việt Nam, Ấn Độ bị kiểm soát chung thì Thái Lan lại không bị kiểm soát. Việt Nam với Ấn Độ đang đấu tranh nhưng Nhật Bản nói rằng để đánh giá rủi ro họ cần có thời gian. Hiện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đã sang bên đó cùng với Hiệp hội để làm việc về vấn đề này.

Theo Báo Hải quan