Ngành thủy sản cần chính sách phù hợp hơn để hội nhập

Những quy định trong nước hiện nay để các doanh nghiệp chế biến thủy sản tuân thủ cũng phải được thay đổi một cách phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Ngành thủy sản cần có chính sách phù hợp thúc đẩy xuất khẩu

Với lợi thế có 3.260 km bờ biển chạy dài từ Bắc chí Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản (sau Trung Quốc, Na Uy và Thái Lan). Trong 10 năm qua, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam không ngừng phát triển và đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang 165 thị trường. Trong số 612 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp đạt quy chuẩn an toàn thực phẩm của ngành, có tới 461 nhà máy đạt điều kiện xuất khẩu sang EU (chiếm 75%). Thủy sản Việt Nam được đánh giá là ngành có giá trị gia tăng cao với kim ngạch xuất khẩu lớn, đạt hơn 7,9 tỷ USD năm 2014, chiếm 6 - 7% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đứng thứ 5 sau điện tử, may mặc, dầu thô và da giày.

Dù có nhiều lợi thế, song để đáp ứng yêu cầu phát triển trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những yếu tố khiến giá thành sản xuất ngày càng cao và bị chi phối không nhỏ là do hệ thống chính sách hiện nay. Thậm chí, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, trong rất nhiều điều khoản đặt ra trong quá trình hội nhập, “có những chính sách không đặt ra lại tốt hơn, hoặc có những chính sách hướng tới nhưng những quy định chi tiết để DN thực thi lại thêm một số quy định gây tác dụng ngược”. Phân tích sâu hơn về bất cập của hệ thống chính sách đối với sự phát triển của ngành thủy sản, ông Nam dẫn chứng: Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (Nghị định 36) ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có quy định cứng “hàm lượng nước trong cá tra fillet xuất khẩu là 83%”, điều này không phù hợp trước sự đa dạng của thị trường. Hay với quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ và Thông tư 19 của Bộ Y tế về “thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” không những không hỗ trợ cho việc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, mà còn khiến DN tốn nhiều thời gian chờ đợi, mất chi phí cơ hội, chi phí nguồn lực và tiền bạc…  

Việt Nam đang thực hiện đàm phán ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa trong đó chế biến thủy sản là ngành có nhiều ưu thế. Nhưng ông Nguyễn Hoài Nam cũng băn khoăn rằng, Thông tư số 48/2013/TYT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu còn nhiều hạn chế, thu hẹp môi trường kinh doanh của doanh nghiệp sau FTA. Việc quy định vẫn thực hiện “giám sát” với tần suất lấy mẫu lớn không theo đúng nguyên tắc “thẩm tra” thể hiện việc chưa công nhận việc kiểm soát của doanh nghiệp; hay quy định thu phí - lệ phí với nhiều hoạt động thanh - kiểm tra của Nhà nước - là trái với quy định tại Điều 48 Luật An toàn thực phẩm. Quy trình - thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm chỉ tiếp nhận và xử lý tại Hà Nội gây kéo dài, ách tắc và đang là thủ tục hành chính gây nhiều bức xúc hiện nay…

Theo VASEP, là ngành hàng huy động nguồn lực từ nông ngư dân, hàm lượng tư nhân hóa rõ rệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chế biến thủy sản trong quá trình hội nhập, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh phải là số 1. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách khi hội nhập, dù là thuế, hay sở hữu trí tuệ… phải giải quyết vấn đề nội tại, củng cố năng lực của từng DN...