Ngày mới trên Tân Trào
- Chủ nhật - 31/08/2014 03:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trường tiểu học Tân Trào. |
Xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng; quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch; quy định Quốc kỳ, Quốc ca...
Đến Tân Trào những ngày này, có thể nhận thấy những đổi thay rõ rệt. 100% đường liên xã, đường trục chính của xã được nhựa hóa; 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa.
Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc tạm vốn là thư viện của xã, do trụ sở làm việc của UBND xã đang triển khai xây dựng, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Trào (sinh năm 1978) người từng du học ở Anh với tấm bằng Thạc sỹ, chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực, chia sẻ: Tân Trào là xã có truyền thống cách mạng và lại là 1 trong 3 xã đại diện cho 3 miền trong cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ về việc huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do vậy, Đảng bộ và các dân tộc trong xã quyết tâm phát huy “nội ngoại lực” xây dựng thành công nông thôn mới như kế hoạch đề ra. Đến nay, Tân Trào đã đạt được 14/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Cuối năm nay, xã phấn đấu hoàn thành thêm 4 tiêu chí nữa.
Một trong những dấu ấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tân Trào đó là việc giảm hộ nghèo. Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 16%, đến nay giảm xuống còn 6%. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hòa: Xã đã tiến hành thu hồi đất 5% công ích (được khoảng 10 ha) để giao khoán lại cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Xã cũng thành lập Hợp tác xã chè Vĩnh Tân, phát triển thương hiệu chè sạch. Năm 2013, sản phẩm Tâm trà của Hợp tác xã Vĩnh Tân đã đoạt Cúp đồng Búp chè vàng tại Festival Trà Thái Nguyên. Nhờ vậy, sản phẩm chè được nâng giá từ 70.000 đồng lên 250.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, Tân Trào đã xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng cây đặc sản; xây mới các nhà văn hóa tại các thôn; xóa nhà tạm cho 230 hộ dân...
Gia đình anh Hoàng Văn Ngán, dân tộc Nùng, thôn Mỏ Ché (xã Tân Trào), là một trong những hộ vừa thoát nghèo của xã. Anh Ngán cho biết: “Không chỉ được tập huấn, hướng dẫn cách sản xuất, năm 2010, gia đình tôi còn được Nhà nước hỗ trợ 1 con trâu giống, sau 4 năm, con trâu mẹ đẻ ra 2 con trâu con, mỗi con gia đình tôi bán được 10 triệu đồng. Năm 2013, gia đình tôi còn được Nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ 32 triệu đồng để làm nhà”.
Cùng chung niềm vui như gia đình anh Ngán là gia đình anh Hoàng Văn Lân, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Gia đình anh Lân vừa xây xong ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái, trị giá 400 triệu đồng; trong đó Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng. Ngoài gia đình anh Lân, 10 gia đình dân tộc Tày khác trong thôn Tân Lập cũng được hỗ trợ để bảo tồn nhà sàn bằng bê tông cốt thép, giả gỗ; với tổng số vốn hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, giúp các hộ dân vừa để ở vừa kết hợp phát triển du lịch. Cách bảo tồn này đã góp phần gìn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào và giải quyết tình trạng phá rừng lấy gỗ làm nhà.
Tân Trào đang vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới. Xã phấn đấu năm 2015, sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trở thành một trong những xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất vinh dự được chọn là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.
Vũ Quang Đán