Nghệ An Hướng đến nông thôn mới bền vững

Nghệ An Hướng đến nông thôn mới bền vững
Về thăm các xã nông thôn mới (NTM) của tỉnh Nghệ An những ngày đầu xuân, đâu đâu cũng nghe câu chuyện về sự đổi thay của từng gia đình, từng thôn, xóm… Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương cần bảo đảm sự ổn định và bền vững các tiêu chí; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nỗ lực của chính quyền và người dân

Những ngày Tết cổ truyền vừa qua của người dân xã Tam Thái (huyện Tương Dương) có phần sung túc hơn, bởi với chủ trương xây dựng NTM, kinh tế của các hộ gia đình ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn cũng ngày càng khởi sắc. Theo Chủ tịch UBND xã Lỗ Vĩnh Tình là 1 trong 2 xã điểm xây dựng NTM của huyện, trong 5 năm triển khai, Tam Thái huy động được gần 67 tỷ đồng đầu tư và đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Để thực hiện thành công chương trình, xã đặt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Đảng ủy có Nghị quyết chuyên đề; UBND xã có kế hoạch thực hiện chương trình; các tổ chức, đoàn thể có kế hoạch cụ thể theo ngành, đơn vị phụ trách và phân công trách nhiệm cho từng cá nhân… Trò chuyện với chúng tôi, ông Tình chia sẻ: Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, nhiều thôn, bản của xã đạt danh hiệu thôn, bản văn hóa...

Tuổi trẻ TP Vinh ra quân tham gia làm đường xây dựng NTM Ảnh: Hải Phong

Rời Tương Dương xuôi Quốc lộ 7A về xã Tràng Sơn (Đô Lương) điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là nhịp sống mới đang rộn rã, tưng bừng khắp thôn, xóm. Được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, người dân địa phương vô cùng phấn khởi. Không giấu nổi niềm vui, ông Hoàng Văn Nhượng, xóm 8 bộc bạch: Xóm chúng tôi mới được đầu tư xây dựng nhà văn hóa nên người dân có điểm vui chơi, mọi người tích cực tập luyện để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Những khu vườn, đất đầm lầy ở xóm giờ đã thay bằng vườn rau, trang trại, gia trại tổng hợp… Có được sự thay đổi trong cách làm ăn này là nhờ kết quả của chương trình xây dựng NTM. Riêng gia đình ông Nhượng, Tết vừa qua cung ứng cho thị trường nhiều sản phẩm trong trang trại: Gà, cá, bò… Với trang trại quy mô hơn 1ha, ông quy hoạch hơn 1 mẫu đất đào ao thả cá, còn lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng - ông Nhượng chia sẻ.

Dẫn chúng tôi dạo quanh địa bàn, Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn Lê Đình Thông cho biết dịp Tết Nguyên đán vừa qua, xã đặc biệt quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, giúp mọi người có một cái Tết no ấm, đầy đủ. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động như: Bóng đá, bóng chuyền, kéo co… để tạo điều kiện cho người dân vui xuân lành mạnh, an toàn.

Chú trọng tính bền vững

 Thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng NTM được xác định tại Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị số 06 của BTV Tỉnh ủy. Năm 2017, phấn đấu tối thiểu có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, sẽ tập trung xử lý nợ đọng trong xây dựng NTM, không để xảy ra tình trạng đầu tư gây nợ đọng tràn lan, không có khả năng cân đối vốn trả nợ công trình…

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An NGUYỄN XUÂN ĐƯỜNG

Tam Thái và Tràng Sơn chỉ là 2 trong số 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh năm 2016. Tuy nhiên, các tiêu chí đã đạt có thể không được giữ vững nếu các xã không tiếp tục phấn đấu duy trì. Theo Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Hồ Lâm, chính quyền cơ sở cũng như các cấp, các ngành cần tiếp tục định hướng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, vận động người dân đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất, tăng thu nhập.

Thực tế, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố tiên quyết nhằm bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM. Theo thống kê, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.529 mô hình thuộc các chương trình phát triển kinh tế và 455 mô hình xây dựng NTM như sản xuất rau an toàn, lúa, ngô, lạc, chanh leo… Việc tập trung xây dựng các mô hình thời gian qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, có thể thấy tỉnh vẫn chưa có nhiều mô hình kinh tế mang tính đột phá, gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của HTX, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ… Đơn cử như xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016 với cơ cấu kinh tế đa dạng. Song, điều trăn trở nhất đối với địa phương là tính bền vững trong thu nhập của người dân. Do đó, để đạt được mục tiêu bình quân 45 triệu đồng/người/năm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đặt ra và cũng là yếu tố để xây dựng NTM bền vững, xã đã xác định phải thành lập một HTX dịch vụ nông nghiệp - Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Lới chia sẻ.

Mặt khác, cũng theo đánh giá của Ban điều phối NTM tỉnh, hiện vẫn còn tình trạng tại thời điểm thẩm định các xã đã đạt 19/19 tiêu chí, song sau một thời gian, lại phát hiện một số tiêu chí không đạt. Điều này cho thấy, nếu các địa phương chủ quan, lơ là trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chí, rất có thể sẽ “tuột” chuẩn NTM… Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Hồ Lâm cho biết, đối với việc giữ vững các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí “động” như môi trường thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan trọng và cần phải triển khai thường xuyên, liên tục mới bảo đảm bền vững. Đối với xây dựng các mô hình NTM có quy mô lớn, đột phá cao, theo ông Lâm, đây là vấn đề khó khăn do nguồn vốn phân bổ của Trung ương đã quy định định mức rõ ràng, do đó việc phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan rất quan trọng để có nhiều mô hình đột phá.Trước những hạn chế và mục tiêu còn chưa tới đích, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng: Các địa phương cần tiếp tục chăm lo để bảo đảm sự ổn định và bền vững các tiêu chí; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để kết quả xây dựng NTM thực sự bền vững. 

 
Theo Diệp Anh/daibieunhandan.vn