Nghệ An: Trên 75% lao động tìm được việc làm sau học nghề
- Thứ năm - 06/12/2012 19:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 8/2012, nghĩa là sau gần 3 năm triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (đề án 1956), đã có trên 14.200 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề, trong đó nghề phi nông nghiệp chiếm 45% và nghề nông nghiệp chiếm 55%. Đáng lưu ý, đã có tới 75% số lao động tìm được việc làm sau đào tạo, đây thực sự là thành quả rất đáng khen ngợi đối với một tỉnh có nhiều khó khăn như Nghệ An. Để có được kết quả trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, Nghệ An luôn thực hiện các đợt khảo sát về nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu lao động của các DN, cơ sở sản xuất… trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cũng được tích cực triển khai và nhân rộng, như dạy nghề thông qua các mô hình: Nuôi lợn thịt và gà thịt tại xã Lương Minh (Tương Dương), nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), chăn nuôi trâu bò hàng hóa tại xã Thanh Dương (Thanh Chương), mây tre đan xuất khẩu tại xã Nghi Thái (Nghi Lộc), trồng rau cao sản tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu)… Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng khen ngợi đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Trăn trở về điều này lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh chia sẻ: Sau gần 3 năm triển khai đề án 1956 đã tạo một bước chuyển lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo còn cao lại tập trung chủ yếu vào lao động vùng sâu, vùng xa... Hơn nữa, không phải lớp đào tạo nào cũng đạt được hiệu qủa như mong muốn khi nhiều lao động sau học nghề không có điều kiện áp dụng vào thực tế dẫn đến rơi rụng kiến thức. Chương trình học, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác dạy nghề còn lạc hậu và thiếu đồng bộ cũng đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo. Một số đối tượng đặc thù khó huy động đến lớp học nghề như người tàn tật, lao động là người dân tộc thiểu số. Cơ sở dạy nghề ngoài công lập và doanh nghiệp tham gia dạy nghề còn ít... Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại đồng thời thực hiện mục tiêu giai đoạn 2012-2015 dạy nghề cho 164.000 lao động khu vực nông thôn, trong đó dạy nghề nông nghiệp cho 96.760 người, dạy nghề phi nông nghiệp cho 67.240 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%... lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, khuyến khích dạy nghề theo đặt hàng của DN; Tăng cường dạy nghề theo mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; Triển khai các lớp đào tạo nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới… “Đặc biệt, Nghệ An sẽ chuyển đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và theo yêu cầu của thị trường”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh./. Việt Nga |
Theo ven.vn