Nghệ An chủ động, tự tin trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới không chỉ được coi là nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội quan trọng hàng đầu của các tổ chức và lãnh đạo các cấp, mà còn trở thành nhận thức chung và việc làm tự thân, chủ động và tự giác hàng ngày của cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây là đặc trưng chính và nhân tố quyết định sự thành công của triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An.
Đoàn viên thanh niên Chi đoàn Công an huyện Anh Sơn phối hợp địa phương tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Hùng Sơn. (Ảnh: congannghean)

Quán triệt nghiêm túc yêu cầu nhiệm vụ, hiểu rõ những khó khăn của một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, nhiều vùng địa hình núi và biển phức tạp, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 70% trung bình của cả nước, Nghệ An là địa phương sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với Văn phòng Điều phối các cấp tỉnh - huyện và Ban Quản lý Chương trình cấp xã hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp. Quy chế hoạt động và nhiệm vụ cụ thể được phân công cho từng bộ phận, cá nhân trong các đoàn công tác chỉ đạo, giám sát tại các địa phương. Các sở, ban, ngành thành lập tổ công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thuộc ngành phụ trách. Ban giám sát cộng đồng do Trưởng ban MTTQ làm Trưởng ban, bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã và thành lập các Ban phát triển thôn (bản)...

Nhờ công tác tổ chức chu đáo, sự tham gia vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, BCĐ và bộ máy giúp việc các cấp thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình thực tế trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo, tham mưu, nên các khó khăn được nhận diện và từng bước khắc phục, các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo ở địa phương sớm được phát hiện và ngày càng nhân rộng...

Hàng loạt các giải pháp mang tính đồng bộ đã được các cấp triển khai quyết liệt trên tinh thần các Nghị quyết 03-NQ/TU về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2020 nghị quyết; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 24-7-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Nghị quyết HĐND tỉnh, các Quyết định và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh cũng ban hành bộ tiêu chí tạm thời về xã Nông thôn mới kiểu mẫu; thông qua và thực hiện một loạt chính sách về về quy hoạch, thiết kế - thi công giao thông nông thôn có lớp mặt là bê tông xi măng; hỗ trợ xi măng làm đường bê tông giao thông nông thôn; Chính sách thưởng công trình phúc lợi cho các xã đạt chuẩn Nông thôn mới; khuyến khích xây dựng mô hình phát triển sản xuất và “cánh đồng mẫu lớn”.

Các sở chức năng cũng ban hành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực chuyên ngành phụ trách. Nhiều huyện, thành, thị cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các xã trong xây dựng nông thôn mới, như hỗ trợ xi măng và mua máy trộn bê tông để làm đường giao thông; hỗ trợ cước vận chuyển xi măng từ trung tâm xã đến các thôn, bản ở một số xã điều kiện phương tiện đi lại khó khăn; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm... Tất cả các huyện, thành, thị đều có chính sách thưởng đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2014, huyện Nghi Lộc thưởng mỗi xã đạt chuẩn 1 tỷ đồng).

Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM cũng được tăng cường, luôn đổi mới nội dung, cách làm và đa dạng hóa hình thức. Đài truyền hình tỉnh, báo Nghệ An tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động của Chương trình; tập trung tuyên truyền nội dung, cách thức huy động sức dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1447/TTg-KTN ngày 13-8-2014; phát hiện và phổ biến những mô hình hay, cách làm sáng tạo, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện chương trình; Phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu có sức lan tỏa rất lớn, các huyện thực hiện tốt như: Nam Đàn, Hưng Nguyên; Thị xã Thái Hòa... Các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia chương trình. Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi Báo chí viết về Nông thôn mới. Trường chính trị tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới”; Hội liên hiệp Phụ nữ đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình: Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn, Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới; Đoàn thanh niên tổ chức cuộc thi Tuổi trẻ Nghệ An “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội người cao tuổi phát động phong trào “Người cao tuổi chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ban thi đua khen thưởng tỉnh đã có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thi đua trong xây dựng nông thôn. Nhiều cấp ủy đảng cơ sở đã chủ động lựa chọn và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện có kết quả nhiều vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kịp thời khắc phục những hạn chế trong nhận thức của cán bộ và nhân dân; tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị…

Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp và công tác tuyên truyền vận động đúng hướng, Chương trình QGMT xây dựng nông thôn mới đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh đồng tình ủng hộ, đặc biệt là từng bước nhận thức được ý nghĩa và mục đích của chương trình và vai trò chủ thể của mình.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình đã đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng; trong đó: Vốn doanh nghiệp là 1.741,2 tỷ đồng, chiếm 8%; Vốn dân góp là 6.502,8 tỷ đồng, chiếm 31% (bằng tiền là 4.513,3 tỷ đồng; hiến đất được 5.217.919 m2 đất, quy thành tiền 1.565,4 tỷ đồng; ngày công lao động: 4.241.884 ngày, quy thành tiền 424,1 tỷ đồng); Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 123.701 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 54.411 tỷ đồng, chiếm 44%.

Đặc biệt, 100% (431/431) xã hoàn thành việc phê duyệt Đề án và Quy hoạch Xây dựng nông thôn mới cấp xã; hơn 50% xã hoàn thành rà soát theo Thông tư 13 của liên Bộ và tiếp tục lập các quy hoạch chi tiết các khu chăn nuôi tập trung, cánh đồng lớn, khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề...; xây dựng, nâng cấp được 3.884 km đường giao thông nông thôn các loại, với tổng kinh phí 7.877 tỷ đồng. Kết quả thực hiện các tiêu chí NTM có sự cải thiện rõ rệt: bình quân từ 3,64 tiêu chí/xã năm 2010, đến năm 2015 đã đạt 12,27 tiêu chí/xã.

Trong đó, 25% xã đạt đủ 19/19 tiêu chí NTM; 31,3% xã đạt tiêu chí số 2 về Giao thông (năm 2010 là 0%); 46,4% xã đạt tiêu chí về Thủy lợi; 76,3% xã đạt tiêu chí về Điện; 51,7% xã đạt tiêu chí số 5 về Trường học; 35% xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa; 50,6% xã đạt tiêu chí về Chợ nông thôn; 72,15% đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục; 72,8% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; 43,4% xã đạt tiêu chí số 16 về Văn hóa; 50,1% xã thành lập tổ thu gom, xử lý rác thải; 92% dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 46,4% xã đạt tiêu chí về Môi trường; 69,4% xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập (năm 2010 chỉ có 2%); 45% xã đạt tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo (năm 2010 chỉ có 4,17%); 73,3% xã đạt tiêu chí số 12 về Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; 82,8% xã đạt tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị vững mạnh; 96,9% xã đạt tiêu chí số 19 về An ninh, trật tự xã hội. Đây là nhóm tiêu chí đạt kết quả cao nhất so với các nhóm khác, điển hình như: huyện Tương Dương 17/17 xã, Diễn châu 38/38 xã, Yên Thành 38/38 xã, Quỳnh Lưu 32/32 xã, Kỳ sơn 20/20 xã..

Toàn tỉnh đã triển khai được 4.529 mô hình, trong đó trồng trọt có 1.166 mô hình, chăn nuôi có 1.124 mô hình, trang trại và gia trại có 1.702 mô hình, lâm nghiệp có 175 mô hình, thủy sản có 166 mô hình,... và mô hình thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM là 455 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và tiếp tục triển khai xây dựng được 60 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, lạc, ngô đạt năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng giá trị ít nhất 10 - 15% trở lên. Đồng thời, đang triển khai xây dựng kế hoạch hợp tác, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn trên địa bàn toàn tỉnh theo quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện từ năm 2016.

Cơ cấu kinh tế nông thôn đã chuyển mạnh sang nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ. Một số huyện làm tốt như: Yên Thành, Tương Dương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Quỳnh Lưu... Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện chỉ còn 10,28% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (năm 2011 là 18,79%).

Thu nhập bình quân đầu người đã tăng đáng kể từ 14,16 triệu năm 2010, đến nay đã đạt gần 29 triệu tăng gần gấp hai lần. (Riêng khu vực nông thôn từ 12 triệu năm 2010 nay tăng lên hơn 17 triệu). Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với XDNTM”, “Xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự”... đã góp phần quan trọng bảo đảm ổn định ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động nội lực cho xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả và kinh nghiệm đã có đang và sẽ tiếp tục tạo đà trong thời gian tới cho tỉnh Nghệ An chủ động, tự tin gặt hái thêm nhiều thành công về xây dựng NTM, phấn đấu đến hết năm 2020, có 50% xã, bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới bảy tiêu chí; nâng cao chất lượng sống nhân dân trên địa bàn và ngày càng tỏa sáng trong phong trào thực hiện thành công chương trình QGMT xây dựng nông thôn mới nói chung của cả nước…

Theo TS. NGUYỄN MINH PHONG/Báo Nhân Dân