Nghề đan lọp tép vào mùa

Nghề đan lọp tép vào mùa
Hàng năm, từ tháng 6 âm lịch trở đi, làng đan lọp tép (phường Thới Long, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) bắt đầu hoạt động hết công suất để phục vụ người dân đánh bắt trong mùa nước nổi. Khi nước từ thượng nguồn đổ về là lúc HTX lọp tép Thới Long tập trung nhân lực và nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất...

 

Nghề đan lọp tép vào mùa

Gia đình ông Điện mỗi vụ sản xuất trên 30.000 cái lọp. Ảnh: L.K

Dù giá trị kinh tế phụ thuộc mùa vụ, nhưng mấy chục năm nay, nghề đan lọp tép đã đem lại cuộc sống ổn định cho gần 200 hộ dân ở ấp Phú Luông. Nghề này thu hút nhiều lao động trong vùng, nhất là trẻ em và phụ nữ. Làm lọp đặt tép, cá bống bán được quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất khi các nhánh sông ở vùng ĐBSCL chuẩn bị đón lũ về.

Theo các chủ sản xuất lọp, giá nguyên vật liệu năm nay tăng. Cụ thể, dây dệt lọp 65.000 đồng/kg, tre 30.000 đồng/cây, kẽm 27.000 đồng/kg... Vì thế, giá lọp cũng tăng 2.000 đồng/cái so với năm ngoái. Nguyên liệu phải là tre già, ngâm đủ ngày đủ tháng (nếu không ngâm nước lọp mau bị “xẹp lép” do mọt ăn).

Làm lọp tép phải qua hàng chục công đoạn: Cưa - chẻ - vót - chà nan tre, đươn mình lọp, bện hom, dệt khung ... Để đảm bảo đủ số lượng cung ứng ra thị trường, bà con chuẩn bị sẵn nguyên liệu từ sau Tết Nguyên đán. Nhiều hộ tranh thủ làm trước, tung ra bán khi vào vụ.

Ông Lê Minh Điện - gia đình có ba thế hệ làm lọp tép - cho biết: “Bình quân một gia đình có 5 thành viên mỗi ngày sản xuất khoảng 100 cái lọp. Gia đình tôi có 4 người, năm nay làm 30.000 cái (giảm 10.000 cái so với vụ rồi), phải mướn thêm 30 lao động mới kịp giao hàng”.

Theo ông Điện, lọp tép hiện có giá 20.000 đồng/cái, trừ chi phí người làm lọp lời khoảng 5.000 đồng/cái. Hiện lọp đang bán chạy ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.

Tùy theo nguồn vốn, bà con sản xuất lọp nhiều hay ít và đồng lời tỉ lệ thuận với số lượng làm ra. Bà Trần Thị Trà - khu vực Thới Mỹ - nói: “Năm nay gia đình tôi làm 15.000 cái, ít hơn năm rồi do giá nguyên liệu mắc quá, nặng vốn nên đóng lời không xuể. Mỗi năm vào vụ, tôi lời khoảng trên 100 triệu đồng”.

Nhu cầu vay vốn của bà con rất cao, song mức cho vay của Ngân hàng CSXH không đáp ứng được. Để sản xuất 20.000 cái, cần 300 triệu đồng vốn.

Theo ông Điện, năm 2007, HTX lọp tép Thới Long ra đời, dù được hỗ trợ vốn nhưng không đủ mua nguyên vật liệu  nên số lượng mỗi năm mỗi giảm. Hiện HTX có hơn 150 xã viên với số vốn huy động 1,1 tỉ đồng.

Còn Chủ nhiệm HTX Thới Long La Văn Dũng cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, việc duy trì làng sản xuất lọp tép Thới Long cần có sự chung sức của người dân. Với lòng yêu nghề của bà con cùng chính sách hỗ trợ của địa phương, tôi nghĩ HTX  sẽ không ngừng lớn mạnh, làm ra nhiều sản phẩm phục vụ xã hội và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”.

Theo laodong.com.vn