Nghề nước mắm ngắc ngoải vì thương lái Trung Quốc

Nghề nước mắm ngắc ngoải vì thương lái Trung Quốc
Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua cá cơm khiến nhiều làng làm nước mắm trong nước điêu đứng vì không còn nguyên liệu để sản xuất

Hội Nước mắm Phú Quốc, huyện Phú Quốc - Kiên Giang cho biết thời gian gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) miền Trung đổ xô về đây thu gom cá cơm (nguyên liệu sản xuất nước mắm) để sơ chế và xuất sang thị trường Trung Quốc.

Nâng giá cao gấp 3 lần

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, để có thể gom hết toàn bộ số cá nguyên liệu, các DN này đã nâng giá mua cao gấp 3 lần so với giá mà các ngư dân bán ra tại địa phương. Cụ thể, cá cơm loại 1 tăng từ 6.000 đồng lên 18.000 đồng/kg. Sau khi gom đủ hàng, các DN mang về địa phương sơ chế bằng cách cho vào nồi hấp chín rồi đóng gói xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả những ngư dân đã nhận tiền cọc của các nhà thùng (cơ sở chế biến nước mắm) cũng giao hết hàng cho thương lái đến từ miền Trung.
Các đầu nậu thu mua cá cơm tại cảng cá Âu Thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) rồi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: HOÀNG DŨNG

“Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ triệu tập các hội viên để thống nhất ý kiến đề xuất lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Chúng tôi không thể mua với giá cao như vậy vì sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh, thậm chí lỗ” - bà Tịnh bức xúc.

Trong khi đó, với danh nghĩa là khách du lịch, một số người Trung Quốc đã lén lút thu mua cá cơm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Bà Nguyễn Thị Hinh, chủ một cơ sở thu mua hải sản ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, cho biết: “Cơ sở của tôi bán cá cơm cho người Trung Quốc nhiều lắm. Họ làm ăn cũng đàng hoàng, tiền trao cháo múc”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Quyên, cán bộ kinh tế phường Mũi Né, thương lái Trung Quốc thường vào các cơ sở để mua cá, thanh toán tiền tại chỗ và cho xe chở đi ngay. “Hiện nay, chưa phát hiện trường hợp thương nhân Trung Quốc nào “quỵt” tiền mua cá cơm nhưng sở đã lưu ý các cơ sở cẩn thận khi buôn bán với họ” - đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận nói.

Những ngày này, đến vùng biển Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, sẽ không khó bắt gặp thương lái Trung Quốc đang gom cá cơm. Ngư dân nơi đây cho biết hầu hết thương lái Trung Quốc đều mua cao hơn so với thương lái địa phương từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Họ thường mua cá đẹp nhưng cũng có lúc gom hết nếu cá khan hiếm. “Vì giá cao nên nhiều ngư dân đổ dồn bán cho thương lái Trung Quốc, không bán cho các cơ sở địa phương” - bà Lê Thị Thu, chuyên thu mua thủy sản ở Tịnh Kỳ, than thở.

Nguồn cung cạn kiệt

Hiện nay, cá cơm trên địa bàn TP Đà Nẵng đang tăng giá gấp 2 lần so với năm trước. Bà Mai Thị Chước, trên 40 năm làm nghề nước nắm cá cơm ở làng Nam Ô (xã Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu - Đà Nẵng), cho biết đầu năm đến tháng 4, 1 kg cá cơm chỉ có giá 7.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, sang tháng 5, giá cá cơm đã tăng gấp đôi, luôn dao động ở mức 17.000 - 20.000 đồng/kg. “Nguyên nhân dẫn đến việc cá cơm tăng giá là do các đầu nậu thu gom để bán cho thương lái Trung Quốc” - một ngư dân cho biết.

Tại cảng cá Âu Thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà - Đà Nẵng), chúng tôi thường xuyên bắt gặp các đầu nậu Việt Nam đứng ra mua cá cơm rồi chuyển lên xe đông lạnh. Theo các chủ tàu, các đầu nậu này chủ yếu thu gom cho người Trung Quốc để lấy tiền công.

Theo những người sản xuất nước mắm ở xã An Hòa, huyện Tuy An - Phú Yên, sở dĩ cá cơm cạn kiệt là vì có nhiều người đánh bắt, hấp cá cơm con để bán cho thương lái Trung Quốc. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hòa, kể: “Cách đây 6 năm, ông A Hu (người Trung Quốc) còn xây dựng cả một cơ sở thu mua và cấp đông cá cơm hấp để đưa về Trung Quốc. Có thời điểm giá cá cơm hấp loại 1 lên đến 300.000 đồng/kg nên nhiều người đổ xô đi khai thác. Trong khi đó, cá cơm chỉ sống ven bờ nên nhanh chóng bị cạn kiệt”.

Tăng cường quản lý thương lái nước ngoài

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết  UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận - huyện tăng cường việc quản lý hoạt động thu mua hàng hóa của thương lái người nước ngoài.

Theo đó,  Sở Công Thương thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật; công an, bộ đội biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lưu trú cũng như hoạt động thu mua hải sản trái quy định của người nước ngoài.

Kỳ tới: Nguy cơ thương hiệu bị thâu tóm

 

theo nld.com.vn