Nghị lực của người vượt qua 'điều tiếng' vào vùng đất hoang lập nghiệp
- Thứ tư - 27/06/2018 23:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lê Thắng nói, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau một lát gặp mặt, chụp ảnh, một số phương tiện truyền thông đã đăng tải thông tin về mình. Họ kể về ông, nào là một cặp vợ chồng lâm tặc hoàn lương, một kẻ nợ nần đầm đìa, một tay anh chị trong giới giang hồ biết quay đầu. Có bài còn nói, ông vào khe Đóng là để quy ẩn, trốn nợ.
Ông Thắng kể về cuộc đời mình |
“Đời tôi chỉ nợ mỗi ngân hàng, còn anh em bạn bè chưa một ai phàn nàn nợ nần với tôi cả. Nhiều người ở đây nhận xét vợ chồng tôi giỏi làm ăn nên mới có nhà cao, cửa rộng. Một số bài lại nói vợ chồng tôi biết quay đầu tìm bờ. Còn tôi tự nhận xét mình là người siêng năng, chăm chỉ làm ăn, vợ chịu thương, chịu khó.
Tôi không có một quá khứ lên voi, xuống chó mà cuộc đời tôi gắn với nghề nông, nghề trồng rừng, kiếm cơm, kiếm áo lương thiện. Người thân tôi ngạc nhiên về những thông tin ấy lắm. Đứa con gái tôi xuất khẩu lao động đọc được cũng gọi điện về phân vân”, ông Thắng chia sẻ.
Rồi ông Thắng tiếp tục kể về cuộc đời mình. Ông quê gốc ở vùng đất võ Bình Định nhưng lại sinh ra, lớn lên tại xóm Cầu Đất, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), trong một gia đình có 8 anh em. Ông có thân hình vạm vỡ, phong sương, trải đời, tính tình cởi mở. Có phải vì thế nhiều người lầm tưởng ông với những tay anh chị trong giới giang hồ đã hoàn lương?
Năm 1982 ông Thắng lập gia đình với bà Nguyễn Thị Loan. Gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, vợ chồng ông dắt díu nhau vào vùng khe Đóng thuộc xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An) lập nghiệp. Với bản tính siêng năng, thích thú với công việc trồng cày, vác bừa, vợ chồng ông chăm chỉ như những con ong đi tìm mật ngọt. Có được lưng vốn, vợ chồng ông lại đầu tư vào mô hình kinh tế của mình đang gây dựng.
Lúc mới vào khe Đóng, nhìn những ngọn đồi mênh mông chỉ còn trơ gốc, vợ chồng ông Thắng ngán ngẩm. Dưới chân núi, những vũng nước sình lầy, hễ đụng chân xuống là bùn đen đùn lên như dòng suối. Nhưng đã trót vào đây, ông động viên vợ quyết khai sơn, phá thạch để làm lúa rẫy. Quay trở về nơi mình được sinh ra, đối với ông tựa hồ như sẽ bị mọi người coi thường. Những tháng ngày đào đất, cuốc cỏ cũng đem lại cho vợ chồng ông cuộc sống không đến nỗi thiếu thốn, con cái được ăn học đàng hoàng. Dần dà vợ chồng ông khai hoang thêm, trồng ngô, đậu lạc, sắn... để sử dụng và chăn nuôi. Khi Nhà nước có chủ trương giao khoán vườn rừng, vợ chồng ông Thắng làm đơn xin nhận 7ha đất đồi rừng trồng keo, quyết tâm biến đất thành cơm gạo và… làm giàu.
“Thuở ấy không có máy móc như bây giờ, con còn nhỏ, lại ít vốn, hai vợ chồng đào từng nhát cuốc để cải tạo đất rừng, trồng nhiều loại cây để đảm bảo cuộc sống. Sau này, nhờ có máy múc, tôi cải tạo cả những vùng đầm lầy thả cá trên ruộng lúa. Riêng cá, mỗi năm cũng cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Làm trang trại như chúng tôi, có tiền đống đổ vào, nếu không chắt góp, tính toán kỹ lưỡng cũng sẽ thất bại. Phải tích lũy từ từ, lấy ngắn nuôi dài, phải chạy theo những gì thị trường cần, không chỉ làm những gì mình thích, cung cấp ra thị trường những gì mình có. Nhất là trong thời điểm hiện nay, trang trại nhỏ nếu không đa dạng hóa các sản phẩm sẽ dễ rơi vào bế tắc”, ông Thắng tâm sự.
Chính vì suy nghĩ như vậy, ngoài trồng lúa rẫy, cây lấy củ, bắp, ông Thắng đào thêm ao thả cá, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê… Thời cao điểm, gia đình ông có 14 - 15 con trâu bò, gần 100 con dê, 10ha mía. Mới đây, ông còn đưa vào trồng thử nghiệm 1,2ha cam V2, sắp vào giai đoạn kinh doanh. Ông nhẩm tính, nếu trồng cam an toàn, mỗi ha cam theo hướng an toàn cũng sẽ cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Ông Thắng chăm sóc vườn cam |
Khi xã có chủ trương đưa cây mía vào trồng, vợ chồng ông là người đầu tiên hưởng ứng. Thời điểm này, nhiều hộ gia đình ở Thạch Ngàn bỏ ruộng đất đi làm ăn xa, ông Thắng xin nhận hết, cải tạo để đầu tư trồng mía. Nhờ được huyện hỗ trợ tiền làm đất, đào rãnh mía, phân bón, giống... vợ chồng ông nhận trồng 2ha, rồi 10ha, mỗi vụ mía đều lãi hàng trăm triệu đồng. Đến nay, diện tích mía tuy không còn nhiều như trước nhưng ông làm thêm dịch vụ tổ chức sản xuất, thu gom mía cho nhà máy đường Sông Lam nên cuộc sống khá giả, các con ông đều có công ăn việc làm đảm bảo cuộc sống.
“Lúc chưa có chương trình trồng mía, hàng chục ha đất màu mỡ ở khe Đóng bị bỏ hoang. Vợ chồng tôi tiếc lắm! Trong khi mọi người thờ ơ với đất thì vợ chồng tôi đi năn nỉ thuê lại để trồng mía. Nhiều người thấy chúng tôi đầu tư tiền của cải tạo đất trồng mía thì mỉa mai. Ở vùng đất này, đồng bào nghèo lắm nhưng khi có hướng đi mới phát triển kinh tế lại không chịu thay đổi. Vì kinh tế vợ chồng tôi xắn tay lên làm, muốn chứng minh cho mọi người thấy, muốn thành công nhất định phải chấp nhận hi sinh, siêng năng, cần cù và hơn nữa là phải tính toán chi ly. Nhưng cũng vì một điều nữa, chúng tôi muốn thay đổi lối suy nghĩ của đồng bào”, bà Loan nói xen vào.
Thấy vợ chồng ông hái ra tiền từ cây mía, nhiều hộ dân xin lại đất để làm ăn. Vợ chồng ông không vì thế mà gây khó khăn mà còn tận tình hướng dẫn người dân thủ tục vay ngân hàng, kỹ thuật trồng, chăm sóc mía, các cây trồng khác và kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, cuộc sống không ít hộ dân ở khe Đóng nay đổi thay, họ vẫn mang ơn vợ chồng ông lắm.
Một cán bộ xã Thạch Ngàn cho biết, khi cây mía mới được đưa vào trồng, đồng bào không hồ hởi. Nhưng khi thấy hiệu quả, họ xin lại đất đầu tư trồng mía. Tuy nhiên, với tập quán chăn thả rông trâu bò, nhiều diện tích mía bị phá hết. Lúc này, vợ chồng ông Thắng đứng ra thành lập tổ bảo vệ mía.
Ông Thắng nghiêm khắc với bản thân mình và bao dung với người khác. Ví như, nếu trâu bò nhà mình phá mía nhà khác thì cứ theo quy định để xử phạt. Trâu bò của đồng bào phá mía thì có thể nhắc nhở 2 - 3 lần mới xử phạt. Mía của gia đình ông bị phá ông chưa vội lo nhưng nếu mía của đồng bào bị trâu bò phá, ông quyết tìm được chủ trâu bò để trao đổi, khắc phục, thậm chí xử phạt theo quy định...
“Các con tôi giờ đã có công việc ổn định. Chồng tôi làm tổ trưởng tổ vay vốn, tôi là chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản. Dù kinh tế không còn gì phải lo nhưng vợ chồng tôi luôn tâm niệm, phải làm để mọi người cùng làm theo và cũng để vui thú tuổi già. Cái ăn giờ không lo nhưng vợ chồng tôi vẫn làm 7 sào ruộng (500 m2/sào), trồng lúa cũng chỉ để cấp cho con cháu ăn”, bà Loan phấn khởi. |