Nghị quyết "tam nông" dẫn lối ở Hà Tĩnh - Bài 1: Nông dân là chủ thể

Ngay sau khi có Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương khóa X (NQ 26) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hơn 1 năm sau, tỉnh Hà Tĩnh cụ thể hóa nghị quyết này bằng Nghị quyết 08/NQ-TU (NQ 08). 10 năm kể từ khi thực hiện NQ 26 và 9 năm thực hiện NQ 08, lĩnh vực “tam nông” của Hà Tĩnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo ra những bước ngoặt quan trọng.
Vườn cây ăn quả trù phú của ông Nguyễn Quang Hùng (thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Vùng Trà Sơn (huyện Can Lộc), cách đây 10 năm rất nghèo. Ít ai nghĩ rằng ở vùng đất khô cằn sỏi đá như Thượng Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc, Thường Nga, Mỹ Lộc…có thể đến lúc nào đó trở nên trù phú. Nhưng, tới nay hàng trăm hộ gia đình từ chỗ là hộ nghèo trở thành “tỷ phú cam”, cuộc sống thay đổi hoàn toàn.

Bằng bàn tay, khối óc, và sự trợ lực của chính sách “tam nông”, nông dân Can Lộc đã tạo ra nhiều mô hình cây ăn quả hiệu suất cao. Và, thay vào khung cảnh tồi tàn ngày ấy là những đồi cam, bưởi xanh mướt, trù phú. Bên cạnh đó là những ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang.

Là xã miền núi của huyện Can Lộc, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thượng Lộc đã biến khó khăn thành lợi thế, không những cán đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2017 mà nơi đây còn hình thành một loại cây ăn quả có múi độc đáo, được bảo hộ thương hiệu Cam Thượng Lộc. 

“Tỷ phú cam” ở Thượng Lộc nay không còn hiếm, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân có  thể điểm tên từng người thu nhập tiền tỷ từ các mô hình trồng cây ăn quả như chị Phan Thị Hiền, Nguyễn Trọng Đạt (thôn Anh Hùng), Đặng Văn Việt, Nguyễn Quang Hùng (thôn Sơn Bình)…

Ông  Chuân chia sẻ: “Nhờ địa hình đồi núi, chất đất và khí hậu đặc trưng đã tạo nên giống cam đặc trưng, cam giòn có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng. Toàn xã hiện có 220ha cam, bưởi, trong đó phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao”.

Bình quân sản lượng cây ăn quả của Thượng Lộc đạt 150 tấn/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, Thượng Lộc đã xây dựng 2 HTX chuyên về cây ăn quả, qua đó để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đối với mô hình trồng cây ăn quả, cứ mô hình trên 40 cây đối với bưởi, 50 cây đối với cam đều được hỗ trợ mỗi cây giống 20 nghìn đồng. Từ hệ thống chính sách của NQ 26 và NQ 08 đã tạo ra phong trào thi đua sản xuất rất mạnh mẽ đối với nông dân Thượng Lộc.

Không dừng lại ở đó, huyện Can Lộc đã xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu cam Thượng Lộc, có chỉ dẫn địa lý, từ đó sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá luôn cao ngất ngưỡng. Theo thống kê của Phòng NNPTNT Can Lộc, đến năm 2017, diện tích cây ăn quả đạt toàn huyện là 1.150ha (trong đó cam gần 400 ha, bưởi 178 ha).

Có nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ, ứng dụng tưới nhỏ giọt hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Toàn huyện có 3 HTX sản xuất giống cây ăn quả, 1 mô hình sản xuất trong nhà lưới, bảo tồn phát triển nguồn giống từ cây đầu dòng, giống cam chanh đặc trưng của vùng Thượng Lộc.

Qua 10 năm thực hiện 2 NQ quan trọng về “tam nông”, sản xuất nông nghiệp của Can Lộc đã có những bước chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) đạt cao nhất năm 2016 với 2.052 tỷ đồng, tăng 1.545 tỷ đồng so với năm 2008 (506 tỷ đồng). Giá trị sản xuất nông nghiệp từ 36,8 triệu đồng/ha năm 2008 lên 75 triệu đồng năm 2017. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay rõ nét, hiện nay đã có 14/21 xã đạt chuẩn NTM, có 2 thị trấn, bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí về xây dựng NTM.

“Có thể khẳng định, kể từ khi có NQ 26-NQ/TW và NQ 08-NQ/TU, huyện đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, thực sự đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp địa phương. Từ nền tảng đó, thành quả mà Can Lộc đạt được có 3 điểm nổi bật nhất, đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư nâng cấp cơ bản đồng bộ và đặc biệt là thu nhập của cư dân nông thôn tăng lên gấp đôi so với năm 2008 ”- Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Duy Cường chia sẻ với PV.

(Còn nữa)

Hạnh Nguyên/http://daidoanket.vn