Nghĩa Thái (Tân Kỳ): Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM bền vững

Nghĩa Thái (Tân Kỳ): Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM bền vững
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), trăn trở, lo lắng lớn nhất của xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) là tiêu chí hạ tầng giao thông và thủy lợi.
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ). Ảnh: Nguyễn Hải
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ). Ảnh: Nguyễn Hải

 Sau khi thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý chương trình NTM, xã tổ chức rà soát lại thực trạng các tiêu chí; đồng thời liên tục tổ chức các cuộc họp từ chi bộ đến các xóm dân cư để quán triệt chủ trương; liên tục phát trên hệ thống truyền thanh các điển hình xây dựng NTM và hiến đất mở đường trong nhân dân; tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, sửa chữa máy cày, triển khai mô hình sản xuất lúa cánh đồng mẫu cho bà con nông dân.

Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, xã thống nhất mọi nguồn lực người dân đóng góp về sẽ được xã quản lý, điều tiết; trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các tiêu chí chưa đạt, từng bước củng cố và nâng cao chất lượng và tính bền vững các tiêu chí đã đạt. 

Trên lĩnh vực giao thông - thủy lợi, với việc lồng ghép các chương trình dự án kết hợp với huy động nguồn lực từ nhân dân, xã huy động được 24,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tiền và ngày công trị giá 17,8 tỷ đồng để làm 11,9 km đường xã và liên xã; đổ bê tông 9,8 km đường trục thôn xóm; đổ sỏi cấp phối toàn bộ 58,4 km tuyến đường xóm và ngõ xóm, đạt tỷ lệ 100% theo quy định. Cùng với đầu tư cho giao thông, để đảm bảo nước tưới cho trên 310 ha lúa và trồng các cây màu, xã đầu tư trên 3,1 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 9 trạm bơm lớn nhỏ.

Giờ học của cô trò Trường Mầm non xã Nghĩa Thái
Giờ học của cô trò Trường Mầm non xã Nghĩa Thái. Ảnh: Nguyễn Hải.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm lo sức khỏe nhân dân, mặc dù xã còn nghèo, thu nhập người dân chưa cao, nhưng xã vẫn dành trên 13 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 4 tỷ đồng, để nâng cấp cơ bản cơ sở vật chất trường học và trạm y tế. Lần lượt, trong 5 năm, 3/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2 năm 2014. Đến nay, Trạm Y tế xã Nghĩa Thái không chỉ thăm khám cho bà con trong xã mà còn phục vụ nhân dân một số xã lân cận như Tân Phú, Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Hạ Sơn (Quỳ Hợp)...    

Một mũi ưu tiên khác của xã là hỗ trợ các mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập người dân. Xã phát động các phong trào thi đua phát triển kinh tế gắn với thực hiện từng tiêu chí NTM. Sau khi  thực hiện dồn điền, đổi thửa,  xã đưa 30 ha đất ở xóm Tân Thành vào sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; phát triển một số mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh; chuyển đổi hàng chục ha đất tại xóm Bãi Đá trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu.

Sản xuất gạch nung ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ).
Sản xuất gạch nung ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ). Ảnh: Nguyễn Hải

Xã cũng mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề nhằm tạo thêm việc làm cho nhân dân; tiếp cận chính sách để nông dân được hưởng cơ chế hỗ trợ lãi suất khi mua máy cày và triển khai cánh đồng mẫu lớn; các hộ có điều kiện thì vay vốn ngân hàng hoặc Quỹ tín dụng nhân dân xã để  phát triển kinh tế.

Nhờ các giải pháp tích cực trên, trên địa bàn xã bước đầu xuất hiện một số mô hình cây, con mới và có thêm ngành nghề phụ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi. Trong 5 năm, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng gần gấp đôi, từ 11,5 triệu đồng năm 2011 lên 22,2 triệu đồng năm 2016; có 93,3% lao động có việc làm ổn định; hàng chục hộ dân có nhà ở cao tầng và không còn nhà ở tạm bợ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,4% xuống còn 5,08%.

Đồng chí Phan Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thái chia sẻ: “Để nâng cao đời sống người dân ở Nghĩa Thái, việc thiết thực nhất trong xây dựng NTM là phải phát triển được hạ tầng giao thông và trường lớp. Từng là một xã chịu thiệt thòi vì hệ thống giao thông xuống cấp, người dân không yên lòng khi thấy cơ sở vật chất trường học xập xệ. Nên khi vận động, người dân xác định được mục tiêu nên đồng tình, góp công vào xây trường học, làm đường rất thuận lợi. Hôm nay chính người dân đang trực tiếp hưởng thụ, nên mọi người đều phấn khởi, tự hào. 

Làm đường giao thông ở xã Nghĩa Thái.
Làm đường giao thông ở xã Nghĩa Thái. Ảnh tư liệu.

Với sự đồng lòng và chung tay xây dựng quê hương mới, người dân xã Nghĩa Thái không chỉ đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng lại hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu của xã mà còn huy động, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng lại nhà cửa, mở mang sản xuất, kinh doanh.

Từ xã khởi đầu NTM với chỉ 6 - 7  tiêu chí, sau hơn 5 năm, Nghĩa Thái đã hoàn thành mục tiêu về đích với đầy đủ 19/19 tiêu chí. Phấn khởi về chặng đường về đích NTM, nhưng như Bí thư Đảng ủy xã Phan Kim Sơn chia sẻ trăn trở: xã vẫn còn một số khó khăn khi một số tiêu chí kết quả đạt chưa cao, về vấn đề giảm hộ nghèo, một số mô hình, ngành nghề khó khăn về đầu ra sản phẩm, chưa có điều kiện chuyển đổi công nghệ sản xuất...

Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng Nghĩa Thái vẫn quyết tâm hoàn thiện, giữ vững các tiêu chí NTM  và có lộ trình phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng thiết thực và bền vững.

Theo Nguyễn Hải/ Báo Nghệ An