Nghĩa Xuân đột phá từ nông nghiệp
- Thứ hai - 17/02/2014 23:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiếp chuyện tôi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân Thái Bá Lâm hồ hởi: Gặp được PV Báo NNVN bây giờ tôi mừng lắm, đơn giản bởi tôi là người rất mê tờ báo này. Nhân đây xã cũng báo tin vui là nông thôn Nghĩa Xuân bây giờ đã đổi thay rất nhiều. Nói rồi, ông Lâm điện thoại gọi kỹ sư Cảnh Thị Thơm, cán bộ phụ trách giao thông- thủy lợi của xã, cùng đưa tôi đi thăm một số làng xóm, ruộng đồng.
Gặp tôi, cô gái trẻ bỗng dưng ngạc nhiên bảo: Anh, anh có phải… Đúng, đúng em là Thơm, anh nhớ ra rồi. Em như cây quế giữa rừng/ Thơm cay ai biết ngát lừng ai hay. Đúng là cái tên mà anh chỉ gặp một lần là không thể nào quên được.
Nói rồi tôi giới thiệu với Chủ tịch xã: Tôi và cô Thơm đây biết nhau đã từ lâu. Cách đây mấy năm tôi gặp Thơm đang học đại học ở Vinh. Lần gặp ấy Thơm bảo hiện đang là cán bộ địa chính xã, nhưng chỉ mới có bằng trung cấp, như vậy là chưa thể đáp ứng nhiệm vụ mới, bởi vậy xã đã cử Thơm đi học lên đại học…
Vừa đi vừa chuyện vãn, khi tới làng Mó, Thơm bảo: Làng quê này có trên 200 hộ toàn là đồng bào dân tộc Thổ, trước đây làng nghèo lắm, quanh năm thanh niên trai tráng phải rời quê phiêu bạt khắp các tỉnh thành ở miền Nam để làm thuê kiếm sống. Đàn ông trong độ tuổi lao động thì đi làm thợ xây, phụ hồ hoặc ngược rừng đốt than, làm nương rẫy. Đất đai tuy nhiều, nhưng ruộng thì không đủ nước tưới, còn trồng màu thì luôn khô hạn.
Như vậy để có cách vực dậy xóm nghèo, xã đã tập trung cao độ cho công tác đầu tư kinh phí và xây dựng các mô hình SX tiên tiến để cho bà con cùng học tập. Kết quả đến nay, sau khi công trình thủy lợi Mó Mo xây xong, hiện đã đủ nước cung cấp tưới cho 30 ha ruộng lúa 2 vụ. Ngoài cây lúa, hiện làng Mó đang là đơn vị dẫn đầu toàn xã về diện tích trồng mía.
Xã cũng đang xây dựng mô hình trồng mía cao sản sạch bệnh ở đây để thời gian tới sẽ nhân ra diện rộng. Làng Mó nay đã dồn điền đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng. Lực lượng lao động khắp thôn xóm không còn cảnh phiêu bạt như xưa, yêu quê hương, nay họ đã quần tụ lại bên nhau để chủ động SX trên từng thửa đất của mình.
Trong phong trào xây dựng NTM, sau khi xã đã phóng tuyến xong, nhà nào cũng tự giác phá dỡ bờ rào, đào rãnh mương thoát nước. Đặc biệt khi có xi măng của Nhà nước cấp về, các tổ đội dân cư đã hồ hởi huy động hết lực lượng lao động ra đường, người thì trộn bê tông, người thì đi gánh nước, xe trâu, xe bò thì hối hả chở cát sỏi…
Chính vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, đường làng ngõ xóm của làng đã được bê tông hóa phong quang sạch đẹp, trong đó có hơn 1.000 m bê tông hóa loại A. Tới làng Mo, thấy tôi ngỡ ngàng trước cảnh nông dân đang mở hội xuống đồng làm thủy lợi, Thơm bảo: Thượng nguồn của cánh đồng này là đập Mó, nước rất dồi dào nên bà con đang nạo vét dẫn dòng, để mở tăng thêm diện tích trồng lúa nước.
Dân làng Mo ra quân làm thủy lợi
Rời làng Mó, làng Mo, tôi còn đến cả làng Kính, làng Tàu, làng Phượng… Quả thực đi đến đâu cũng thấy cảnh làng quê thanh bình yên ả. Trước đây, vườn tược của nhà nào cũng có dăm, bảy sào, nhưng toàn là mọc hoang cây tạp. Lợn, bò, dê, gia cầm thì thả lông nhông ủi đất, phá vườn, phóng uế khắp xóm. Bây giờ nhà nào cũng xây dựng xong chuồng trại ngăn nắp, gọn gàng. Vườn thì nhà ai cũng có cây ăn quả xanh tươi bốn mùa.
Thấp thoáng bên những giàn trầu phủ trắng hoa cau của làng là tiếng những đàn chim ríu rít chuyền cành. Và từ trên những dàn cây cao, tiếng loa phóng thanh của xã sau mỗi lần cất lên làn điệu dân ca là bản tin thông báo thi đua đóng góp xây dựng NTM của từng xóm, từng làng.
Đến cánh đồng Mơ, lúa xuân đang mơn mởn xanh tươi, Chủ tịch xã Thái Bá Lâm đưa tay vẽ một cung tròn rồi nói: Cánh đồng 25 ha này thuộc hai xóm Kính, và Tàu. Anh biết không, sở dĩ tôi là người rất mê Báo NNVN vì cũng trên cánh đồng này chính tôi là người đã trực tiếp chỉ đạo cho bà con áp dụng vào SX các giống lúa lai, giống như báo đã khuyến cáo.
Đặc biệt khi ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp đem đến cho tôi tờ Báo NNVN có đăng bài: “Nghệ An bón phân viên cho lúa, đạt hiệu quả kinh tế cao’’, tôi mừng lắm. Bởi bài báo đã nói rất rõ về tính hiệu quả, lại còn đưa ra quy trình cấy và cách thức liều lượng bón phân viên cho lúa.
Dân làng Phượng mở rộng đường GTNT bên sân bóng
Thế là tôi cùng Ban Nông nghiệp xã lại đi về từng thôn bản vận động, phân tích cho bà con hiểu để họ làm theo. Kết quả đến nay ruộng đồng của xã tất cả đều đã được áp dụng bón phân viên dúi sâu cho lúa. Chính vì vậy mà năng suất lúa luôn đạt từ 62 - 65 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ/ha và giảm được 30% chi phí so với công thức bón phân theo truyền thống.
Mía cũng là cây thế mạnh của xã Nghĩa Xuân, tuy nhiên mấy năm trước vì bệnh chồi cỏ phát triển mạnh nên năng suất, sản lượng, kể cả diện tích đều bị sụt giảm. Nhưng kể từ năm ngoái đến nay, sau khi xã xây dựng thành công mô hình trồng giống mía cao sản, sạch bệnh thì diện tích của dân lại tăng lên đến 500 ha. Năng suất và độ đường trong mía tại xã Nghĩa Xuân đã được nhà máy đường đánh giá đạt cao nhất so với toàn vùng (65 - 70 tấn/ha).
Đối với công tác khuyến nông, năm ngoái xã đã tổ chức mời Trạm Khuyến nông huyện về xã mở được 13 lớp học cho 730 lượt nông dân tham dự các lớp kỹ thuật SX và chăn nuôi. Cũng thời gian này xã đã cung ứng cho bà con được 3.010 kg giống lúa lai, 200 kg giống ngô, 322 kg ni lông, 121 kg gói thuốc trừ bệnh cho mạ và 9.000 kg phân viên.
Theo đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân luôn được cải thiện, nâng cao. Giá trị thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao đã phát triển rộng khắp đến tận từng thôn xóm. Hiện đã có 87% số hộ trong xã đạt tiêu chí Gia đình văn hóa.
Bàn về xây dựng NTM, Chủ tịch Thái Bá Lâm bảo: Hiện Nghĩa Xuân đang là xã dẫn đầu so với toàn huyện về việc thực hiện các tiêu chí. Tuy nhiên, khâu đột phá của xã là nông nghiệp. Xã thuần nông thì phải đưa làng quê mạnh giàu lên từ nông nghiệp. Đó là mục tiêu và ý chí của chính quyền và người dân nơi đây. Hồ Quang |