Người Cơtu làm nông thôn mới

Là xã biên giới của huyện Tây Giang (Quảng Nam), xã Lăng có địa hình hiểm trở, kinh tế phát triển chưa bền vững, trên 95% dân số là người Cơtu, trình độ dân trí chưa cao. Tuy nhiên, sau hơn ba năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã đã đạt 14/19 tiêu chí, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống của người dân ngày một nâng cao.
Một góc khu trung tâm xã Lăng

Hiến đất, nhường ruộng

Khi triển khai XDNTM, xã Lăng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động: “Toàn  dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với XDNTM theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Nhờ đó, người dân đã hiểu được tầm quan trọng của XDNTM nên hưởng ứng nhiệt tình, tham gia hiến đất, hoa màu, cây cối, ruộng, ao cá, vật kiến trúc, di dời nhà cửa,… để có mặt bằng xây dựng các công trình công cộng, đường sá…

Điển hình là tộc họ Cơlâu (thôn Pơrning) nhường đất để các tộc họ khác cùng có đất ở, cùng sinh sống, xây dựng bản làng sạch đẹp. 

“Đợt một già hiến 200 gốc quế, 200 gốc cam, 40 cây mít, 10 cây dó bầu, 2 sào ruộng. Đợt hai hiến tiếp 40 gốc quế, 40 gốc cam, 30 bụi chuối, 12 cây dó… Giờ đất của mình dân làng đã dựng nhà cửa đẹp đẽ hết rồi”, già làng Cơlâu Nhấp kể.

Noi gương cha, gia đình hai con trai già làng Nhấp là Cơlâu Nhom, Cơlâu Nhíp cũng nhường đất để dân làng có đất tái định cư. “XDNTM là để bản làng sạch đẹp nên ai cũng ưng bụng. Phải có mặt bằng ở ổn định, có đường, điện thì cuộc sống mới văn minh, đổi thay được”, già Nhấp nói. 

Pơrning có 115 hộ thì có đến 95 hộ tham gia hiến, nhường đất. Hộ hiến ít nhất là 500m2, hộ nhiều hiến lên đến hàng chục hecta.

Ngoài tộc họ Cơlâu, các tộc họ khác như Alăng, Zơrâm… cũng hiến hàng chục hecta đất, ruộng vườn để lập làng, mở đường, xây trường...

Đến nay, xã Lăng đã nhựa hóa, bê-tông hóa đạt chuẩn được 17,5/21km đường giao thông trục xã, liên xã (đạt 83,3%); 7/10km đường trục thôn, xóm được cứng hoá (đạt 70%); 5/7 thôn có Gươl văn hóa, đảm bảo cho việc hội họp, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trong thôn. 

NTM mang bản sắc của người Cơtu

Ông Alăng Reng, Chủ tịch UBND xã Lăng, cho biết: Từ khi phát động XDNTM  đến nay, xã luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện; sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã. Do vậy, tình hình kinh tế có bước phát triển ổn định, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đặc biệt, từ khi có chủ trương trồng cây cao su, địa phương đã thực sự thay da đổi thịt. Công ty Cao su Nam Giang đã đầu tư trồng 540ha cao su đại điền với kinh phí trên 50 tỷ đồng; 5/7 thôn có mặt bằng tái định cư ổn định; 7/7 thôn có đường ô tô, 98% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia; Trường Tiểu học xã Lăng là trường đầu tiên trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đảm bảo khám - chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), xã đã duy trì, khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơtu như: các làn điệu dân ca, điệu múa, hát lý, nói lý, lễ hội truyền thống…

Để giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện cấy lúa theo mô hình cải tiến (SRI); triển khai chăn nuôi theo Nghị quyết 07 của Huyện ủy. Hiện, mô hình ươm, trồng ba kích đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1ha trồng được 10.000 cây ba kích, thời gian sinh trưởng trong vòng 3 năm, thu hoạch 5 cây cho 1kg củ. Tính ra năng suất đạt 2 tấn/ha, với giá bán 500.000 đồng/kg, doanh thu đạt 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xã phối hợp với các phòng, ban của huyện mở các lớp đào tạo ngắn hạn như: dệt thổ cẩm, làm chổi đót, trồng rau sạch, cạo mủ cao su, vi tính… cho người dân. “Đây là nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống người dân nông thôn”, ông Alăng Reng nói.

Đến nay, xã Lăng đã đạt 14/19 tiêu chí; còn 5 tiêu chí gần đạt: giao thông (đạt khoảng 75%), thủy lợi (65%), cơ sở vật chất văn hóa (khoảng 50%), thu nhập (bình quân thu nhập của xã năm 2014 là 15,5 triệu đồng/người), hộ nghèo hiện còn 70/476 hộ (tương đương 14,7%).

Để sớm cán đích NTM vào cuối năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lăng rất mong tỉnh, huyện, ngành chức năng, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm hỗ trợ kịp thời các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để xã có điều kiện thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí còn lại, đồng thời duy trì các tiêu chí đã đạt. Thường xuyên mở các lớp đào tạo đa ngành nghề để nhân dân có cơ hội học tập, từ đó tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ kiến thức về XDNTM cho đội ngũ cán bộ xã, thôn.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, xã Lăng đang tiến gần tới một NTM hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơtu.

Tính đến cuối tháng 11/2014, tổng kinh phí xã Lăng đã huy động để XDNTM đạt 124,65 tỷ đồng, trong đó: Vốn vay tín dụng 6 tỷ đồng;  doanh nghiệp 50,158 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 7 tỷ đồng; còn lại là ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Theo: kinhtenongthon.com.vn