Người chăn nuôi… kiệt sức
- Thứ sáu - 10/05/2013 21:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thị xã Sa Đéc và huyện Châu Thành là những nơi có nghề chăn nuôi heo mạnh nhất ở tỉnh Đồng Tháp nhiều năm qua. Thế nhưng hiện tại nhiều hộ chăn nuôi mất ngủ do thua lỗ kéo dài. Chị Nguyễn Thị Hết, ở phường 2, thị xã Sa Đéc, buồn bã: “Vừa xuất chuồng bán 9 con heo với giá chỉ 3,45 triệu đồng/tạ, tính ra lỗ hơn 15 triệu đồng. Gia đình sống nhờ vào nuôi heo, vậy mà bán đợt nào cũng lỗ khiến kinh tế càng lúc càng kiệt quệ”. Đồng cảnh ngộ trên, ông Trần Văn Hùng, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, cho biết, hàng chục năm sống nhờ nghề làm bột - nuôi heo nhưng chưa bao giờ rơi vào thế khó như lúc này. Nếu như những năm trước bột được giá 10.500 đồng/kg, nay sụt còn 8.600 đồng/kg, giá này càng làm càng lỗ. Đối với heo hơi thời điểm quý 2-2011, giá tới 5,3 triệu đồng/tạ, sau đó sụt liên tục đến nay còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tạ. Hiện đàn heo của ông Hùng còn hơn 120 con chưa dám bán vì sợ lỗ. Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nơi có đàn heo hơn 102.000 con, đang rơi vào cảnh “nuôi nhiều - lỗ nặng”. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo, nhìn nhận, giá heo thấp như vầy, ai nuôi giỏi cách mấy cũng chịu chết. Đáng lo ngại là gần 2 năm qua giá heo cứ phập phù ở mức thấp, trong khi các khoản chi phí đầu vào như thức ăn, điện… đều tăng, đẩy hàng loạt hộ vào thế khó. Trong khi đó, những hộ nuôi gia cầm cũng chẳng khá hơn khi giá thấp, cộng với dịch bệnh tấn công liên tục. Tại Long An, đàn gia cầm của tỉnh khoảng 8 triệu con hiện rất khó tìm đầu ra, trong đó giá gà công nghiệp sụt chỉ còn 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 10.000 đồng/kg, mức lỗ quá lớn khiến nhiều trang trại có nguy cơ vỡ nợ. Không chỉ gia súc, gia cầm, mà tình hình nuôi thủy sản như nghêu, cá tra, tôm… cũng bi đát. Theo ông Hứa Sĩ Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nắng nóng gay gắt kéo dài, rồi mưa liên tục làm môi trường thay đổi đột ngột gây bất lợi cho tôm nuôi. Đến nay đã tháng 5 nhưng nông dân chỉ mới thả nuôi được 2.000/21.000ha tôm, trong đó dịch bệnh làm chết hơn 20% diện tích. Mới đây, xã Hòa Đông đã công bố dịch đốm trắng trên tôm. Tại vùng biển Tiền Giang và Bến Tre, nhiều hộ nuôi nghêu trải qua một vụ nuôi ảm đạm vì nghêu chết tràn lan và giá giảm mạnh. Ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), cho biết, dân nuôi nghêu ở xứ biển Tân Thành vụ này mất trắng khoảng 290 tỷ đồng do dịch bệnh, khiến người nuôi lâm nợ ngập đầu.
Ông Đinh Văn Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, tỏ ra lo lắng khi nhiều sản phẩm chăn nuôi rơi vào cảnh ảm đạm. Nếu như trước đây đàn heo của Long An hơn 360.000 con, nay giảm còn 250.000 con. Ở thành phố Tân An và huyện Châu Thành vài năm trước có nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô 30.000 - 40.000 con/trại, nay đóng cửa hàng loạt do dịch cúm gia cầm hoành hành, giá bán thấp… Hơn lúc nào hết người chăn nuôi đang rất khốn khó, nếu các ngành chức năng không sớm hỗ trợ tích cực trên nhiều mặt thì tình hình càng lúc thê thảm hơn. Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, băn khoăn, chăn nuôi đang đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro như dịch bệnh, giá cả… Thực tế cho thấy đàn heo của tỉnh giảm còn khoảng 200.000 con, do người nuôi thua lỗ bỏ nghề. Với lượng đàn heo hiện tại chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, 50% lượng heo còn lại buộc phải mua về từ các tỉnh khác; vì vậy mục tiêu phát triển đàn heo cũng như cung ứng lượng heo hơi cho các đô thị lớn trong nước coi như phá sản. Chi cục Thú y các tỉnh ĐBSCL cho rằng, có nhiều hạn chế trong ngành chăn nuôi như: nhỏ lẻ, dịch bệnh tràn lan, giá bấp bênh, trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục, đầu tư cho chăn nuôi còn hạn chế chưa tương xứng với điều kiện thực tế… Thêm vấn đề bất cập là người nuôi heo phải mất 4 - 6 tháng mới xuất chuồng, nhưng chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng/tạ; trong khi thương lái chỉ cần mua heo về sang tay là thu lời 500.000 đồng/tạ mà vẫn chê ít (!?). Cái yếu trong chăn nuôi ở ĐBSCL lâu nay là mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp hoặc thương lái tiêu thụ; hay giữa người nuôi với nhau. Để vực dậy ngành chăn nuôi, nhiều ý kiến đề xuất giảm nuôi nhỏ lẻ để tiến tới nuôi công nghiệp quy mô lớn nhằm dễ chăm sóc, quản lý và kiểm soát tốt dịch bệnh. Mô hình này xem ra là hướng đi đúng, song thực tế rất khó thực hiện do tập quán ở ĐBSCL vẫn chăn nuôi nhỏ kiểu hộ gia đình, thiếu vốn, bấp bênh giá cả… Theo ông Võ Bé Hiền, cần học tập Tập đoàn CP của Thái Lan với mô hình chăn nuôi được khép kín toàn bộ từ sản xuất con giống, thức ăn, quy trình nuôi đến khâu tiêu thụ ở các siêu thị. CP có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực chăn nuôi, đồng thời nội lực rất mạnh. Do đó, một số nơi ở ĐBSCL khi áp dụng nuôi gà công nghiệp đã gặp thất bại vì không cạnh tranh lại. Giải pháp trong chăn nuôi ở ĐBSCL là nỗ lực gắn kết người chăn nuôi với doanh nghiệp tiêu thụ lại với nhau, trên tinh thần hợp tác cùng có lợi. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng tới nay người nuôi cứ nuôi, còn bán cho ai, giá bao nhiêu… thì phụ thuộc vào thương lái; bởi doanh nghiệp rất ít liên kết với người nuôi. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, bức xúc khi giá heo hơi mà thương lái mua của người nuôi ở mức thấp hơn giá thành, thế nhưng thịt heo bán ra ở các chợ luôn cao. Đây là bất hợp lý khiến người chăn nuôi luôn thua thiệt. Trong lúc loay hoay chờ giải pháp hỗ trợ từ các ngành chức năng, hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL bỏ nghề, đóng cửa chuồng trại vì kiệt sức. Bao giờ nghề chăn nuôi phục hồi và tìm ra hướng đi bền vững, đang là bài toán chưa có lời giải. HUỲNH LỢI - NGUYỄN THANH |